Giá cước vận tải nên tăng trong giới hạn từ 8-10%

Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM khuyến cáo các doanh nghiệp điều chỉnh kê khai tăng giá cước vận tải trong giới hạn từ 8% đến 10%.
Sau khi giá xăng dầu tăng từ 2.000 đến 2.800 đồng/lít, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tìm giải pháp nhằm thích ứng và đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh giá nhiên liệu liên tục tăng.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi việc điều chỉnh các hoạt động kinh doanh do ảnh hưởng đợt tăng giá xăng dầu vào cuối tháng 2 vừa qua chưa kịp lắng dịu, các doanh nghiệp vận tải tiếp tục phải đối mặt với đợt tăng giá xăng dầu mới đã làm nhiều doanh nghiệp rơi vào tình thế rất khó khăn.

Chính vì vậy, giải pháp tăng giá cước vận tải luôn là vấn đề được các doanh nghiệp tính toán đầu tiên. Ông Đinh Nam Dinh, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đối với doanh nghiệp vận tải hàng hóa, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 45-50% giá thành vận tải.

Vì vậy, sự biến động tăng giá xăng dầu như trên đã tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trên cơ sở phân tích mức độ tác động giá xăng dầu tăng đợt ngày 29/3, hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp điều chỉnh kê khai tăng giá cước vận tải trong giới hạn từ 8% đến 10% để bù đắp chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết đến này 31/3, các doanh nghiệp vận tải hoạt động tại bến xe vẫn chưa có doanh nghiệp nào đăng ký, thông báo tăng giá cước. Tuy nhiên, trong thời gian tới các doanh nghiệp sẽ tăng giá để bù đắp chi phí tăng do giá xăng dầu tăng như hiện nay.

Đối với hoạt động vận tải taxi, theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi Thành phố Hồ Chí Minh, với việc xăng tăng giá 2.000 đồng/lít nên việc tăng giá cước taxi là điều khá tránh khỏi. Tuy nhiên, các thành viên trong hiệp hội cũng đang tính toán tăng sao cho hợp lý.

Trong khi chờ quyết định tăng giá cước, các doanh nghiệp thực hiện việc bù lỗ giá xăng dầu cho tài xế. Trước đó, nhiều hãng taxi đã tăng giá cước trung bình 12-15%, nhiều hãng taxi cũng chỉ vừa mới hoàn tất kiểm định đồng hồ, thay đổi đồng hồ tính cước theo mức giá mới.

Ông Hỷ cho biết, để giảm thiểu khó khăn cho hoạt động kinh doanh taxi, hiệp hội đã kiến nghị cơ quan chức năng giảm thuế VAT nhưng kiến nghị này không được chấp nhận. Để có thể tiếp tục tồn tại trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng, nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét giảm lệ phí cầu đường và một số dịch vụ khác…

Trước tình hình khó khăn chung, Hiệp hội Vận tải Hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các doanh nghiệp thành viên cố gắng giảm tối đa số km xe chạy không có hàng, đồng thời tiết kiệm chi phí để không tăng đột biến giá cước vận tải, tránh tâm lý hoang mang lo lắng cũng như không lợi dụng giá xăng dầu để tăng thêm lợi nhuận mà cùng chia sẽ khó khăn chung của toàn xã hội, góp phần thực hiện kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo nhiều doanh nghiệp vận tải, để có thể “sống chung” với giá cả nhiên nhiên liệu tăng như hiện nay, việc tăng giá cước chỉ là một phần, còn về lâu dài các doanh nghiệp cũng cần phải xem xét việc tiết giảm chi phí hoạt động, đầu tư phương tiện hiện đại, công nghệ mới để hạn chế chi phí nhiên liệu./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục