Giá dầu thế giới ghi nhận tuần đi lên thứ hai liên tiếp

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhận định thị trường năng lượng có thể thắt chặt hơn trong năm 2023, nếu nền kinh tế Trung Quốc phục hồi và ngành dầu mỏ Nga gặp khó khăn do lệnh trừng phạt.
Giá dầu thế giới ghi nhận tuần đi lên thứ hai liên tiếp ảnh 1Cơ sở khai thác dầu ở thị trấn al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên cuối tuần này, khép lại tuần đi lên thứ hai liên tiếp, giữa bối cảnh triển vọng kinh tế của Trung Quốc sáng sủa hơn đã thúc đẩy kỳ vọng về nhu cầu nhiên liệu ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sau khi nghỉ lễ Martin Luther King Jr. Day vào ngày 16/1, thị trường năng lượng Mỹ mở cửa trở lại vào ngày 17/1 với đà tăng, khi Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu hàng đầu, đang mở cửa nền kinh tế trở lại sau khi kết thúc giai đoạn thực hiện các hạn chế nhằm kiểm soát dịch COVID-19, thúc đẩy hy vọng nhu cầu dầu tăng cao hơn.

Mặc dù giá dầu quay đầu giảm 1% trong phiên giao dịch liền sau đó, khi nỗi lo về suy thoái kinh tế tại Mỹ lấn át hy vọng phục hồi của Trung Quốc, song thị trường "vàng đen" đã phục hồi liên tục trong hai phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 19-20/1), do nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc bất chấp số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng đáng kể.

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol nhận định rằng thị trường năng lượng có thể thắt chặt hơn trong năm 2023, đặc biệt nếu nền kinh tế Trung Quốc phục hồi và ngành dầu mỏ của Nga gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt.

Trước đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đưa ra báo cáo dự trữ dầu thô thương mại của nước này đã tăng 8,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 13/1, vượt xa dự báo của các nhà phân tích do S&P Global Commodity Insights là tăng 0,9 triệu thùng.

Phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (ngày 20/1), giá hai loại dầu chủ chốt đồng loạt tăng hơn 1% và ghi dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp, chủ yếu được thúc đẩy bởi triển vọng kinh tế tươi sáng đối với Trung Quốc.

Kết thúc phiên này, giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng 98 xu Mỹ (tương đương 1,2%) lên 81,31 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,47 USD (1,7%), lên 87,63 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent tăng 2,8%, còn giá dầu WTI tăng 1,8%.

IEA mới đây đã nhận định rằng việc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát COVID-19 ở Trung Quốc sẽ làm tăng nhu cầu toàn cầu lên mức cao kỷ lục trong năm nay, một ngày sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng dự báo nhu cầu tại Trung Quốc phục hồi trong năm 2023.

[IEA: Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu thế giới lên mức cao mới]

Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm chuyển hướng sang thu hẹp quy mô các đợt nâng lãi suất, nhờ triển vọng lạc quan của kinh tế Mỹ.

Một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters (Anh) dự đoán Fed sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt sau khi tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại hai cuộc họp chính sách tiếp theo và sau đó có khả năng giữ lãi suất ổn định trong ít nhất là thời gian còn lại của năm nay.

Phó Chủ tịch Fed, Lael Brainard, cho biết cơ hội "hạ cánh nhẹ nhàng" của nền kinh tế Mỹ dường như đang tăng lên. Cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed dự kiến diễn ra từ ngày 30/1 đến ngày 1/2 tới.

Dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho thấy, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 10 giàn xuống 613 giàn trong tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022,.

Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Oanda (Mỹ), nhận định: "Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều cần nhiều dầu hơn. Điều này giúp thị trường năng lượng hưởng lợi".

Nhà phân tích Jim Ritterbusch của công ty tư vấn Ritterbusch and Associates (Mỹ) cho biết: "Việc áp trần giá dầu Nga, vốn đang lan khắp nhiều thị trường toàn cầu, đang giúp hỗ trợ giá dầu thô."

Nga là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ hai của Trung Quốc vào năm 2022, trong khi Saudi Arabia chiếm vị trí đầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục