Giá dầu trên thị trường thế giới tăng mạnh nhất trong hai tuần

Vào lúc 17 giờ 32 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent tăng lên 27,4 USD/thùng, trong khi giá dầu West Texas Intermediate kỳ hạn tăng lên 22,36 USD/thùng.
Giá dầu trên thị trường thế giới tăng mạnh nhất trong hai tuần ảnh 1Giàn khoan dầu của hãng Shell. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên 2/4, giá dầu tăng mạnh nhất trong hai tuần, trong khi các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều, khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục gây lo ngại.

Giá dầu thô Brent kỳ hạn tăng hơn 11% vào đầu phiên giao dịch sáng ngày 2/4 tại London, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng Saudi Arabia và Nga sẽ sớm đạt thỏa thuận kết thúc cuộc chiến giá dầu hiện nay.

Vào lúc 17 giờ 32 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent tăng 10,75%, hay 2,66 USD, lên 27,4 USD/thùng, trong khi giá dầu West Texas Intermediate kỳ hạn tăng 10,09%, hay 2,05 USD, lên 22,36 USD/thùng.

Tổng thống Trump cho biết gần đây ông đã có cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo của cả Nga và Saudi Arabia, và tin rằng hai nước sẽ đạt được thỏa thuận để kết thúc cuộc chiến giá dầu "trong vài ngày," với việc giảm sản lượng và đưa giá dầu tăng trở lại.

Ông cũng cho biết đã mời các nhà lãnh đạo các công ty dầu mỏ tới Nhà Trắng để thảo luận các giải pháp hỗ trợ lĩnh vực đang điêu đứng vì nhu cầu năng lượng giảm trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia.

[Mỹ-Nga nhất trí tổ chức các cuộc thảo luận về thị trường dầu mỏ]

Theo người phụ trách các thị trường dầu mỏ của Rystad, Bjornar Tonhaugen, giá dầu phiên sáng tăng mạnh nhất trong hai tuần qua, nhờ hai yếu tố là những nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy Nga và và Saudi Arabia đạt thỏa thuận và khả năng Trung Quốc tăng cường mua dầu thô để bổ sung vào các kho dự trữ chiến lược.

Tại cuộc họp của chính phủ ngày 1/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng cả các nước sản xuất và các nước tiêu thụ cần tìm giải pháp để tháo gỡ tình thế khó khăn hiện nay của các thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Trong khi đó, Saudi Arabia ủng hộ một sự phối hợp giữa các nước sản xuất để ổn định thị trường, nhưng Nga phản đối một đề xuất vào tháng trước về việc tăng cường cắt giảm nguồn cung. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng một thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ không sớm đạt được.

Trong khi đó, trên các thị trường chứng khoán châu Á, dịch COVID-19 vẫn khiến các nhà đầu tư thận trọng.

Sau hai tuần lên điểm nhờ các gói kích thích trị giá hàng nghìn tỷ USD và các biện pháp nới lỏng tiền tệ được thực hiện trên toàn cầu, thị trường lại hướng sự chú ý đến diễn biến và tác động lâu dài của của dịch bệnh.

Tổng thống Mỹ ngày 31/3 cảnh báo người dân Mỹ chuẩn bị cho “hai tuần khó khăn” sắp tới khi Nhà Trắng dự tính khả năng có thể có tới 100.000 đến 240.000 người tử vong tại Mỹ do dịch trong những tháng tới.

Phát biểu của ông Trump được đưa ra khi một số nước cho biết sẽ kéo dài lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Chốt phiên 2/4 tại thị trường châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,4%, xuống 17.818,72 điểm, trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,8%, lên 23.280,06 điểm và chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 1,7%, lên 2.780,64 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục