Ghi nhận tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh từ đầu tháng Tư đến nay cho thấy giá hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng so với thời điểm trước đó.
Đặc biệt, sau kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu đồng loạt tăng vào ngày 11/4 vừa qua, ngày càng nhiều hàng hóa, dịch vụ đang có tín hiệu điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Nguyễn Nam, nhân viên văn phòng quận 1 cho biết thời gian gần đây khá bất ngờ khi giá một ly càphê sữa đá thường hay tiêu dùng mỗi sáng đã tăng lên 2.000-5.000 đồng, nếu trước đây chỉ 18.000-20.000 đồng/ly, hiện tại là 23.000-25.000 đồng/ly. Bên cạnh đó, một phần điểm tâm sáng hay cơm trưa văn phòng cũng nhích giá, tăng phổ biến từ 30.000-35.000 đồng/phần lên 40.000-45.000 đồng/phần.
Theo anh Nguyễn Nam, hậu dịch COVID-19, giá hàng hóa, dịch vụ có xu hướng giảm nhưng chỉ duy trì ở thời gian ngắn, sau đó lại duy trì đà tăng trong khi kinh tế vẫn khó khăn, thu nhập người dân chưa phục hồi. Đặc biệt, không chỉ hàng hóa đặc thù, cao cấp tăng giá mà ngay cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cũng tăng mặc dù người dân thắt chặt chi tiêu và sức mua trên thị trường yếu.
Đồng quan điểm, chị Cát Nguyên, cư ngụ tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết gia đình có 4 thành viên; trong đó có 2 con nhỏ nên chi phí sinh hoạt hàng ngày khá tốn kém cho nhóm hàng hóa lương thực, thực phẩm, sữa... Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt hàng ngày, gia đình thường mua sắm đồ dùng mỗi tuần một lần tại siêu thị; đồng thời ưu tiên lựa chọn những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu được giảm giá, khuyến mãi phù hợp với nhu cầu tiêu dùng.
Nhiều người tiêu dùng khác chia sẻ trước bối cảnh giá hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng, họ phải tìm mọi cách để tiết kiệm chi tiêu vào những mặt hàng không thiết yếu, chỉ mua sắm đồ cần dùng, cũng không còn xu hướng mua nhiều hay tích trữ. Ngoài ra, giỏ hàng mua sắm của người tiêu dùng không giảm về giá trị nhưng số lượng đồ dùng giảm đáng kể. Tức là vẫn với 1-2 triệu đồng nhưng hiện tại mua sắm được ít đồ dùng hơn trước.
[Tăng hơn 1.000 đồng mỗi lít, xăng RON95-III vượt 24.200 đồng]
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá hiện tại người tiêu dùng không chỉ cắt giảm chi tiêu những mặt hàng xa xỉ, mà cũng tiết kiệm trong mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hàng ngày. Điều này đã tác động làm suy giảm sức mua trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang đối mặt với hàng loạt thách thức trong duy trì sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tìm đầu ra cho sản phẩm... Cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với tác động kép, đầu vào cho sản xuất như nguyên vật liệu, chi phí... tăng theo cơ chế thị trường nhưng sức mua thấp nên điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ cũng không phải là bài toán dễ.
Báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng quý 1 vừa qua, doanh nghiệp vẫn đối mặt với không ít khó khăn do giá cả thị trường tăng cao; chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát; nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia; trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 263.981 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2022, còn so với cùng kỳ giảm 4,8%.
Từ đầu năm 2023, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh liên tục triển khai bình ổn thị trường nhằm hạn chế việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng, nhất là đối với mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm...
Đến nay, hệ thống phân phối trên địa bàn có 3/3 chợ đầu mối, 223/232 chợ truyền thống đang hoạt động, 239 siêu thị (107 siêu thị tổng hợp có kinh doanh thực phẩm và 132 siêu thị chuyên doanh), 47 trung tâm thương mại và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi... đảm bảo khả năng cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho người dân.
Tuy nhiên, ngành thương mại, dịch vụ vẫn phải đối mặt với khó khăn về chi phí vận chuyển, kho bãi, nhân công; xu hướng tiêu dùng vẫn tập trung vào mua sắm chủ yếu nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu là chính và hạn chế nhóm hàng hóa, dịch vụ chưa thật sự cần thiết... Để tăng sức mua trên thị trường, cả nhà bán lẻ lẫn đơn vị sản xuất kinh doanh đều tổ chức đa dạng chương trình khuyến mại, giá cả hợp lý với nhiều loại mặt hàng giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng.
Điển hình, từ nay đến ngày 19/4 tới, tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… đồng loạt triển khai chương trình khuyến mãi “Hàng nhãn riêng Co.op-Lựa chọn tiết kiệm cho mọi nhà.” Bên cạnh giảm giá lên đến 50% sản phẩm hàng nhãn riêng Co.op, hoặc tặng kèm nhiều quà tặng, Saigon Co.op còn giới thiệu phong phú sản phẩm nhãn riêng Co.op mới, thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng khi mua sắm.
Kệ hàng tươi sống của Co.op tiếp tục trưng bày những sản phẩm Co.op cho bữa ăn gia đình, có giá thấp hơn từ 5-20% so với mặt hàng dẫn đầu cùng loại gồm: khoai lang, cải ngọt-cải xanh-cải xanh Đà Lạt, bưởi da xanh, chuối, trứng gà ta... Hàng nhãn riêng Co.op ở ngành hàng thực phẩm công nghệ cũng rất phong phú với thịt bò Australia, bắp giò heo muối, basa cắt khoanh, chả lụa bì ớt xiêm xanh, cá đù 1 nắng, tôm cuốn khoai tây...
Tương tự, tại những hệ thống bán lẻ khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như MM Mega Market, Satra Mart, Aeon Mall, Giga Mall... cũng luân phiên triển khai chương trình khuyến mãi, giảm giá theo nhóm ngành hàng để kích cầu tiêu dùng.
Cụ thể, bước qua tháng Tư này, MM Mega Market triển khai 2 chương trình ưu đãi nổi bật là "Giá sỉ" và "Khóa giá," áp dụng mức giá tốt nhất trong xuyên suốt quý 2 này, dành cho mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến, bánh kẹp, nhu yếu phẩm, đồ dùng gia đình...
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay sẽ đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong hoạt động xúc tiến thương mại, chú trọng thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với hệ thống phân phối... để bình ổn thị trường giá cả trên địa bàn.
Song song đó, Sở Công Thương sẽ tham mưu trình Ủy ban Nhân dân thành phố về kế hoạch phát triển ngành logistics, thương mại điện tử; chương trình khuyến mại tập trung, xúc tiến công thương năm 2023./.