Căng thẳng về tài chính

Gia tăng căng thẳng về tài chính của Tây Ban Nha

Tình hình tài chính Tây Ban Nha thêm căng thẳng khi vùng Catalonia nước này đề xuất cứu trợ 5 tỷ euro từ chính phủ trung ương.
Vùng Catalonia của Tây Ban Nha ngày 28/8 đã đề xuất gói cứu trợ 5 tỷ euro (6,3 tỷ USD) từ chính phủ trung ương.

Quyết định trên càng làm gia tăng căng thẳng về tình hình tài chính, vốn đẩy nước này đứng trước nguy cơ phải kêu gọi gói cứu trợ tổng thể từ nước ngoài.

Theo các số liệu thống kê của chính quyền, Catalonia phải thanh toán 13,5 tỷ euro trong năm nay, trong đó 5,8 tỷ ơrô sẽ đáo hạn trong sáu tháng cuối năm 2012. Với tổng số nợ 40 tỷ euro, hiện khu vực hành chính nằm ở Đông Bắc Tây Ban Nha này đang có mức nợ cao nhất trong số 17 chính quyền khu vực trong cả nước, mặc dù các vùng Valencia và Murcia cũng tuyên bố cần sự giúp đỡ từ chính phủ trung ương.

Ngoài việc cắt giảm lương từ khu vực nhà nước, đề xuất mức phí thanh toán bệnh viện và đóng băng các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, tháng Bảy vừa qua, Catalonia, khu vực chiếm 1/5 GDP của Tây Ban Nha cũng buộc phải ngừng các khoản trợ cấp cho bệnh viện, người già và nhiều dịch vụ xã hội khác.

Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo ở Madrid, Thủ tướng Mariano Rajoy tuyên bố chính phủ trung ương sẽ trợ giúp Catalonia, khẳng định khu vực này là một phần của Tây Ban Nha vì vậy chính phủ không thể "buông tay" trước khó khăn này.

Tháng Sáu vừa qua, Chính phủ của ông Rajoy đã phải cầu viện gói cứu trợ ngân hàng trị giá 100 tỷ euro (124 tỷ USD), trong bối cảnh lãi suất vay mượn của Tây Ban Nha tăng lên mức báo động (hơn 7%).

Chính phủ Tây Ban Nha cũng kêu gọi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) viện trợ bằng cách nối lại chương trình mua trái phiếu chính phủ trên thị trường mở. Song ECB cho biết chỉ hành động khi Madrid chấp nhận những điều kiện mới thông qua việc chính thức đề xuất cứu trợ từ quĩ cứu trợ khủng hoảng của các nước Eurozone.

Theo các số liệu của Văn phòng thống kê quốc gia, Tây Ban Nha đã bắt đầu rơi vào suy thoái từ năm 2011, chứ không phải đầu năm 2012. GDP của Tây Ban Nha đã trượt xuống mức âm từ quý 3/2011 chứ không phải đạt trên 0% như báo cáo trước đó. Trong quý cuối cùng của năm 2011, GDP của nước này tiếp tục giảm 0,5% chứ không phải 0,3% như báo cáo./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục