Giải Báo chí Quốc gia: Xứng tầm sân chơi nghiệp vụ của người làm báo

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết sức hút của Giải Báo chí Quốc gia ngày càng lớn, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo giới báo chí và công chúng.
Giải Báo chí Quốc gia: Xứng tầm sân chơi nghiệp vụ của người làm báo ảnh 1Ông Nguyễn Đức Lợi, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN)

Sáng 5/10, tại Nghệ An, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia nhằm phân tích, đánh giá kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay trong quá trình tổ chức; từ đó, đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm đổi mới hoạt động để phù hợp với xu thế chuyển đổi số, nâng cao hơn nữa vị thế của Giải chuyên ngành lớn nhất cả nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo tỉnh Nghệ An; Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí ở khu vực miền Trung-Tây nguyên đã tham dự.

Sức hút của Giải ngày càng lớn

Ngày 29/3/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 369/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giải Báo chí Quốc gia và giao Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) và mời Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) tham gia thực hiện.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết trải qua 17 năm tổ chức, Giải Báo chí Quốc gia đã thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự. Điều này cho thấy, sức hút của Giải ngày càng lớn, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo giới báo chí và công chúng. Các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí.

[Giải Báo chí Quốc gia: VietnamPlus năm thứ 3 liên tiếp giành Giải A]

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng Giải Báo chí Quốc gia được báo giới nói riêng và xã hội nói chung hưởng ứng và đón nhận hàng năm. Tham dự Giải là các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên, hoạt động trong lĩnh vực báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử trong cả nước bằng những tác phẩm xuất sắc nhất sáng tác trong một năm lao động bền bỉ.

Hội đồng Giải, Ban Tổ chức Giải, đặc biệt là Hội Nhà báo Việt Nam với tư cách là cơ quan chủ trì đã nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để chất lượng Giải ngày càng nâng cao. Những tác phẩm được chọn trao giải thực sự đạt chất lượng về chính trị, tư tưởng, có nội dung phong phú, phản ánh trung thực bức tranh đời sống đất nước và có hình thức, kỹ thuật thể hiện sáng tạo, đạt hiệu quả xã hội cao.

Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giải đã và đang có tác dụng to lớn, cổ vũ tinh thần thi đua giữa các nhà báo, cơ quan báo chí. Qua đó, phát hiện và tôn vinh những tài năng, sự tâm huyết của những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, theo đúng tinh thần Chỉ thị 37-CT/TW ngày 13/8/2004 của Ban Bí thư về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới và Chỉ thị 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới.

Giải Báo chí Quốc gia thực sự là nguồn cổ vũ lớn đối với người làm báo; ghi nhận, tôn vinh thành quả lao động sáng tạo của những người làm báo nói chung và những người được giải nói riêng trong lĩnh vực hoạt động đặc thù. Đồng thời, Giải thưởng có tác dụng động viên, cổ vũ giới báo chí tiếp tục hăng hái thi đua, lao động sáng tạo, xứng đáng với vai trò, vị thế của báo chí là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng của Đảng và Nhà nước.

Nhiều cơ quan báo chí, nhà báo đã tích cực tham gia và có cách làm hay để động viên, khuyến khích các nhà báo của đơn vị mình tham gia giải; tìm tòi, phát hiện đề tài phù hợp để thực hiện các tác phẩm tham dự.

Giải Báo chí Quốc gia: Xứng tầm sân chơi nghiệp vụ của người làm báo ảnh 2Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN)

Bà Trần Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Nghệ An, cho biết từ rất lâu, Đài đã đưa vào Quy chế điều hành và Quy chế chi tiêu nội bộ việc khen thưởng xứng đáng cho các tác phẩm đoạt giải Quốc gia, Trung ương. Tác giả có giải Vàng, giải Nhất, giải A, cơ quan sẽ thưởng 200% giá trị tiền thưởng của giải đó.

Nâng cao hơn nữa vị thế của Giải

Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, so với thực tế phát triển mạnh mẽ của báo chí và khoa học công nghệ cùng với yêu cầu cao hơn đối với báo chí trong tình hình mới, Giải Báo chí Quốc gia với tư cách là động lực thúc đẩy sự phát triển của báo chí nước ta vẫn còn tồn tại những hạn chế.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng đề nghị cùng với việc mở rộng cơ cấu giải, số lượng giải cần được tăng lên tương ứng. Mức giải thưởng cần được tăng lên để kịp thời cổ vũ, động viên, tôn vinh lao động sáng tạo của các nhà báo. Đó cũng là động lực quan trọng thu hút thêm các loại hình báo chí, động viên những người làm báo tham gia, đáp ứng yêu cầu phát triển và nhiệm vụ ngày càng cao của báo chí nước nhà trong sự nghiệp đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế; phục vụ tích cực, có hiệu quả hơn nữa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hai năm gần đây, phần mềm chấm giải online của Hội Nhà báo Việt Nam đã phát huy vai trò tích cực, hỗ trợ đáng kể cho tác giả tham dự cũng như cho công tác của Hội đồng giám khảo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khâu trong công tác tuyển chọn chưa được số hóa. Phần mềm chấm giải vẫn dừng ở mức hỗ trợ thẩm định tác phẩm, chưa hỗ trợ được công tác chấm giải đặc thù của Hội đồng sơ, chung khảo; chưa có cơ chế lưu trữ tư liệu tác phẩm đoạt giải cũng như các văn bản, quy định có liên quan.

Thời gian tới, cùng với chiến lược chuyển đổi số, Hội Nhà báo Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến việc cải tiến quy trình và chuyển đổi số Giải Báo chí Quốc gia, góp phần đẩy mạnh vị thế của Giải, xứng tầm là sân chơi nghiệp vụ uy tín nhất của những người làm báo Việt Nam.

Tại Hội nghị, các báo cáo, tham luận tập trung vào những chủ đề như một vài kinh nghiệm về sáng tạo tác phẩm báo chí tham gia Giải Báo chí Quốc gia; tác động tích cực của Giải Báo chí Quốc gia đến đội ngũ những người làm báo; Giải Báo chí Quốc gia góp phần phát huy tinh thần cách mạng và là động lực nghề nghiệp cho nhà báo.../.

Danh sách Giải thưởng Báo chí Quốc gia của Báo Điện tử VietnamPlus:

Sau 11 lần tham gia, VietnamPlus giành 18 giải gồm: 6 Giải A, 8 Giải B và 5 Giải C.

Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII: Giải A cho loạt 5 bài “Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế” của nhóm tác giả Võ Mạnh Hùng, Phạm Thanh Trà, Nguyễn Hoài Nam, Hoàng Tiến Đạt.

Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI: 01 Giải A cho loạt 5 bài “Giải phóng đất nông lâm trường: Đã đến lúc cần ‘cuộc cách mạng’ quyết liệt hơn” của nhóm tác giả: Võ Mạnh Hùng, Võ Hoàng Long, Hoàng Thị Phương Trang, Vũ Thị Bích Hằng, Phạm Thanh Trà.

Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV: 01 Giải B cho loạt bài “Loạn quy hoạch làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ triệt để” của tác giả Võ Mạnh Hùng.

Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV: 01 Giải A cho tác phẩm “Ma trận đấu thầu tập trung: Hà Nội nguy cơ ‘thất thủ’ vì rác thải” của tác giả Võ Mạnh Hùng, Phạm Trung Hiền, Phạm Thanh Trà.

Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIII: 01 Giải A, 01 Giải B,  Giải C

Giải A: Tác phẩm “Tội ác dưới những tán rừng xanh… Cửa đóng nhưng ruột vẫn rỗng” của tác giả Võ Mạnh Hùng.

Giải  B: Mega Story “Họ hy sinh cho nước bạn hồi sinh”

Giải C: Phóng sự: “Ký sự đường sắt Bắc Nam.”

Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XII: 1 Giải A, 1 Giải B và 2 Giải C

Giải A Tác phẩm “Chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Định hình khuôn khổ hợp tác đa phương đa dạng” của nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Nhật, Võ Hoàng Long, Đồng Lê Huy.

Giải B: Loạt 5 bài: “Ma trận giá cả dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền” của tác giả Cao Thị Thùy Giang Giải C:- Loạt 5 bài: “Thủy điện nhỏ: Vỡ trận quy hoạch ở các tỉnh miền núi phía Bắc” của tác giả Võ Mạnh Hùng.

Giải C: Tác phẩm “Hai ông lão 80 tuổi chống tham nhũng và niềm tin sắt đá vào công lý” của tác giả Chu Thị Hồng Kiều.

Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XI: 1 Giải A, 1 Giải B và 2 Giải C

Giải A: Tác phẩm “Quản lý giá biệt dược: Làm gì để thị trường thuốc không 'nhảy múa'?” của tác giả Cao Thùy Giang.

Giải B: Tác phẩm "Cô bé chân voi và cuộc chiến 12 năm kiên cường" của nhóm tác giả Trần Sơn Bách, Lê Minh Sơn và Phan Hải Tùng Lâm.

Giải C: Tác phẩm "Cuộc chiến khô-mặn: Nỗi đau 'kép' của hàng triệu người nông dân" của tác giả Võ Mạnh Hùng.

Giải Báo chí Quốc gia lần thứ X: 01 Giải B cho tác phẩm "Việt Nam vươn lên mọi mặt sau 70 năm lập quốc" tác phẩm truyền thông đa phương tiện đầu tiên ở Việt Nam sử dụng đa ngữ.

Giải Báo chí Quốc gia lần thứ IXGiải C cho loạt bài "Chất thải y tế nguy hại-Cần chấm dứt lỗ hổng quản lý trên giấy tờ” của tác giả Cao Thùy Giang-Nguyễn Thị Tuyết Mai.

Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VIII: Giải B cho tác phẩm “Bất cập trong quản lý, sử dụng đất lâm trường quốc doanh” của nhóm tác giả Võ Mạnh Hùng-Đỗ Mạnh Hùng.

Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII:   

Giải B: Loạt bài “Tăng viện phí-Những góc nhìn đa chiều” của tác giả Cao Thùy Giang

Giải B: Tác phẩm:  “Thảm họa La Pán Tẩn-Cân quặng, mạng người” của tác giả Trần Sơn Bách-Đỗ Mạnh Hùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục