Giải pháp nào để có thể chế ngự lực lượng Taliban hiếu chiến?

Taliban đã giành lại những thành trì truyền thống của họ ở phía Nam và cả ở các khu vực phía Bắc thành phố Mazar-e-Sharif (thủ phủ tỉnh Balkh) của Afghanistan.
Giải pháp nào để có thể chế ngự lực lượng Taliban hiếu chiến? ảnh 1Các tay súng Taliban tại Afghanistan. (Ảnh: AP)

Theo trang mạng eurasiareview.com, trong bối cảnh quân đội Mỹ đang giảm dần hoạt động và khẩn trương rút quân khỏi Afghanistan, lực lượng Taliban nhanh chóng giành lại quyền lực ở Afghanistan và tiến công trên khắp đất nước.

Taliban đã giành lại những thành trì truyền thống của họ ở phía Nam và cả ở các khu vực phía Bắc thành phố Mazar-e-Sharif (thủ phủ tỉnh Balkh).

Lực lượng này cũng đã bao vây các thủ phủ của nhiều tỉnh, chiếm giữ các cửa khẩu biên giới quan trọng và khôi phục lệnh cấm hút thuốc và cạo râu. Họ cấm phụ nữ ra đường nếu không có đàn ông đi cùng.

Taliban cũng ra lệnh cho tất cả các thầy tế phải nộp “danh sách phụ nữ trên 15 tuổi và góa phụ dưới 45 tuổi tại những khu vực kiểm soát” để kết hôn với các tay súng Taliban.

Sự trỗi dậy của Taliban không chỉ là hậu quả từ chính sách nhượng bộ của chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump và ông Joe Biden, mà còn do sự chia rẽ giữa các cường quốc trong khu vực trong việc đối phó với Taliban.

Mặc dù các cường quốc trong khu vực có thể hợp tác cùng nhau trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), song các lợi ích cục bộ của một số quốc gia đã khiến triển vọng hòa bình và ổn định lâu dài tại Afghanistan và bên ngoài biên giới nước này trở nên u ám hơn.

Các cường quốc khu vực và Taliban

Các quốc gia trong khu vực có lợi ích địa chiến lược, địa kinh tế và an ninh đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan kể từ khi Tổng thống Biden tuyên bố rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan.

Ngoại trừ Ấn Độ, hầu hết các cường quốc trong khu vực đều đã bí mật gặp gỡ Taliban, và một số thậm chí đã tận dụng Taliban cho các lợi ích an ninh và địa chiến lược trong khu vực.

[Rút quân khỏi Afghanistan: Lựa chọn khả dĩ nhất của Mỹ?]

Chẳng hạn, sau năm 2019, Tehran và Moskva đã hỗ trợ Taliban với lý do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang thành lập các chi nhánh tại Afghanistan. Họ lợi dụng nhóm khủng bố này để trả thù Mỹ. Taliban đã tới thăm Tehran và Moskva, hội đàm với chính phủ hai nước, và thậm chí còn xúc tiến đàm phán hòa bình Afghanistan ngay tại hai quốc gia này.

Pakistan đã sử dụng chiến lược “nước đôi” vừa hỗ trợ các chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu, vừa cung cấp nơi trú ẩn cho Taliban. Bắt đầu từ năm 2002, cơ quan an ninh Pakistan đã tài trợ cho Taliban và giúp lực lượng này tuyển mộ các tay súng thông qua nhiều nhóm tôn giáo khác nhau.

Hôm 16/7, tại Uzbekistan, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã lên tiếng khẳng định Pakistan chưa cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố và hơn 10.000 tay súng đã xâm nhập Afghanistan chỉ trong vòng một tháng.

Trước khi khởi động tiến trình đàm phán hòa bình Afghanistan, một phái đoàn Taliban từ văn phòng chính trị ở Qatar, dẫn đầu bởi Mullah Baradar - thủ lĩnh Taliban phụ trách các vấn đề chính trị, đã tới Pakistan.

Phái đoàn này đã gặp các quan chức Pakistan, trong đó có Ngoại trưởng Shah Mahmood Qureshi. Mối quan hệ giữa Taliban và cơ quan an ninh Pakistan được bộc lộ rõ hơn khi một quan chức của Taliban lên tiếng thừa nhận Cơ quan tình báo quân đội Pakistan (ISI) có can dự sâu vào mọi quyết định của văn phòng chính trị Taliban tại Qatar.

Lý do đằng sau mối quan hệ này là khá rõ ràng: Pakistan cảm thấy bị bao vây chiến lược do sự hiện diện của New Delhi về thương mại và ngoại giao tại Afghanistan để tái thiết đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Ấn Độ luôn cam kết giữ vai trò điều phối viên hòa bình và hỗ trợ phát triển kinh tế ở Afghanistan, và luôn giữ khoảng cách với Taliban (do cuộc chiến tranh ủy nhiệm mà nước này phải đối mặt ở Jammu và Kashmir). Tuy nhiên, có nguồn tin cho rằng New Delhi gần đây đã tìm cách tiếp xúc với một số phe phái của Taliban trong bối cảnh tình hình an ninh tại Afghanistan đang có nhiều biến chuyển.

Trong khi đó, Trung Quốc đã sử dụng “cách tiếp cận hẹp” và “ngoại giao tự chủ." Bắc Kinh bắt đầu can dự với Taliban từ thập kỷ 1990 của thế kỷ trước khi khu tự trị Tân Cương ở phía Tây Bắc Trung Quốc trở nên bất ổn.

Với một lịch sử tranh chấp, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương phát động các phong trào chống Trung Quốc vào các năm 1980, 1981, 1985, 1987, và đỉnh điểm là sự kiện Baren năm 1990.

Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan Lục Thụ Lâm đã gặp lãnh đạo Taliban Mullah Omar vào năm 2000 để đề nghị Taliban và các nhóm khủng bố khác ngăn chặn sự “lây lan” chủ nghĩa khủng bố sang Tân Cương.

Mullah Omar đã cam kết không để người Duy Ngô Nhĩ tiến hành các cuộc tấn công chống Trung Quốc tại Tân Cương, nhưng người Duy Ngô Nhĩ vẫn sẽ tiếp tục đứng trong hàng ngũ Taliban.

Sau đó, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ đối thoại với Taliban vào năm 2019, Bắc Kinh đã tiếp đón một phái đoàn Taliban do Mullah Abdul Ghani Baradar dẫn đầu.

Taliban có giữ lời hứa?

 Taliban đã cam kết với Mỹ và các đồng minh của Washington rằng sẽ không để “các cá nhân hoặc các nhóm khủng bố quốc tế,"  trong đó có Al-Qaeda và IS-K, lợi dụng lãnh thổ Afghanistan.

Taliban cũng đưa ra những cam kết tương tự với Nga, các quốc gia Trung Á ở phía Bắc Afghanistan, Trung Quốc và Iran rằng họ sẽ khoan dung với người Hồi giáo dòng Shi’ite. Tuy nhiên, do những thay đổi trong hành vi của Taliban trong 2 tháng qua, các cường quốc khu vực bắt đầu tỏ ra hoài nghi về những lời hứa này.

Hôm 7/7, Trung Quốc một lần nữa chỉ trích hành động rút quân vội vàng của Mỹ và cảnh báo rằng Afghanistan sẽ lại trở thành “thùng thuốc súng của khu vực và là nơi trú ẩn cho các nhóm khủng bố."

Tương tự, các nước cộng hòa Trung Á giáp biên giới với Afghanistan đã phải đối mặt với tình huống bất thường khi 1.037 quân nhân Afghanistan từ tỉnh Badakhshan vượt biên vào lãnh thổ các nước Trung Á.

Hành động xâm nhập này buộc Tổng thống Tajikistan phải huy động 20.000 quân dự bị tại biên giới và yêu cầu sự hỗ trợ của Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể (CETO).

Tháng Năm vừa qua, các vụ nổ đã xảy ra tại Hazara, khu vực quan trọng do người Shi’ite thống trị ở phía Tây thủ đô Kabul, làm ít nhất 50 người chết và hơn trăm người bị thương. Không nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công, song Chính phủ Afghanistan cáo buộc Taliban đứng sau vụ việc này.

Việc Taliban thực hiện các vụ tấn công trên đường phố và giành chiếm quyền lực là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy lực lượng này đã không giữ lời hứa về việc tham gia các cuộc đàm phán giữa các phe phái ở Afghnistan nhằm tìm một giải pháp chính trị.

Nhà báo Ahmed Rashid, tác giả cuốn “Taliban: Phiến quân Hồi giáo” cho rằng “xung đột sẽ làm liên đới các quốc gia láng giềng."

Các quốc gia như Iran, các nước cộng hòa Trung Á, Pakistan, và khu vực Tân Cương của Trung Quốc sẽ chịu tác động trực tiếp, trong khi Ấn Độ và Nga sẽ phải đối mặt với những thách thức về an ninh và khủng bố. Hơn nữa, khi các nhóm tôn giáo trong khu vực bắt đầu chống lại Taliban và các hành động bạo lực của lực lượng Hồi giáo này, Afghanistan sẽ trở thành “thỏi nam châm” thu hút các nhóm khủng bố trên khắp thế giới.

Những nhóm khủng bố này sẽ lợi dụng cuộc nội chiến tại Afghanistan để trục lợi. Trước tình hình đó, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) có thể giúp các quốc gia trong khu vực đưa ra một cách tiếp cận chung để đối phó với Taliban.

SCO có thể chế ngự một Taliban hiếu chiến

Thành lập năm 2001, SCO là một tổ chức khu vực hiện có 8 quốc gia thành viên là Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Pakistan, Tajikistan và Uzbekistan. Cùng với các quốc gia quan sát viên là Afghanistan, Iran, Belarus và Mông Cổ, SCO tập trung chủ yếu vào các vấn đề an ninh khu vực. SCO và Hội đồng cơ cấu chống khủng bố khu vực (RATS) luôn đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan ở khu vực.

Khi Afghanistan phải đối mặt với tình huống phức tạp sau năm 2001, SCO đã thành lập Nhóm liên lạc Afghanistan (ACG) vào năm 2005. Nhóm này sau đó đã ngừng hoạt động khi bạo lực leo thang ở Tây Á. Tuy nhiên, sau khi NATO do Mỹ dẫn đầu bắt đầu rút quân, Chính phủ ở Kabul đã coi ACG là một tổ chức có thể đảm bảo hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.

Sau năm 2017, ACG được khôi phục và bắt đầu đảm nhận vai trò hòa giải và kiến tạo hòa bình thông qua các kênh ngoại giao với cả Taliban và chính quyền dân sự ở Kabul. Sau năm 2017, tất cả các thành viên SCO, bao gồm cả New Delhi, đều nỗ lực tạo dựng một nền hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho Afghanistan.

Tuy nhiên, tất cả các cường quốc khu vực, ngoại trừ các quốc gia Trung Á và Ấn Độ, đã sử dụng Afghanistan và Taliban để phục vụ lợi ích địa chiến lược và địa kinh tế của họ để chống phương Tây và chống lẫn nhau. Cuộc chơi “nước đôi” này chỉ có lợi cho Taliban.

Tại một cuộc họp gần đây của Nhóm liên lạc SCO về Afghanistan ở Dushanbe, tất cả các thành viên đều tái khẳng định nhu cầu giải quyết xung đột ở Afghanistan thông qua đối thoại và ủng hộ một tiến trình hòa bình cho Afghanistan và do chính người Afghanistan lãnh đạo và kiểm soát.

Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar cũng nhấn mạnh sự đồng thuận của ACG thông qua lộ trình 3 điểm của New Delhi đối với vấn đề Afghanistan. Vì nền hòa bình và thịnh vượng trong khu vực, các quốc gia thành viên SCO, bao gồm cả quốc gia quan sát viên Iran, cần xem xét lại những chính sách Taliban khác biệt của mình.

Nếu SCO không đồng lòng, nền hòa bình tại Afghanistan cũng như tại các quốc gia láng giềng sẽ khó thành hiện thực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục