Giải quyết dứt điểm dự án tuyến Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài

TP.HCM đã thanh toán khoản chênh lệch giá trị 5 khu đất và 120 triệu USD cho Công ty TNHH MTV Phát triển GS Sài Gòn để giải phóng mặt bằng tuyến đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài.
Giải quyết dứt điểm dự án tuyến Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài ảnh 1Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài là dự án theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: Tràng Dương/TTXVN)

Liên quan đến vấn đề quyết toán dự án BT (xây dựng-chuyển giao) Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong vừa giao Sở Tài chính khẩn trương tham mưu, đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố kết quả quyết toán A-B dự án đầu tư xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài.

Đồng thời, Sở Tài chính cũng phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố thanh toán khoản chênh lệch giá trị 5 khu đất và giá trị đầu tư xây dựng cùng với 120 triệu USD cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phát triển GS Sài Gòn thuộc Tập đoàn Công ty GS E&C Hàn Quốc ứng trước cho thành phố để thực hiện giải phóng mặt bằng tuyến đường nối Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài.

Ủy ban Nhân dân thành phố cũng giao Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận đầu tư dự án tại lô đất ký hiệu 3-11 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phát triển GS Sài Gòn để làm cơ sở triển khai dự án theo quy định.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân thành phố cũng giao Tổ công tác liên ngành thành phố báo cáo, kiến nghị các bộ ngành tham gia hỗ trợ thành phố thanh quyết toán hợp đồng dự án BT dự án Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài; có ý kiến phần diện tích đất dôi dư tại lô đất 1-15 do điều chỉnh quy hoạch 1/2000 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm để thương thảo, đàm phán với nhà đầu tư.

Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài là dự án theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh do Công ty GS E&C Hàn Quốc làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 485,7 triệu USD; trong đó, chi phí xây lắp gần 130 triệu USD, chi phí giải phóng mặt bằng 273 triệu USD.

Năm 1997, dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Đến năm 2007, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chọn và ký hợp đồng BT với Công ty GS E&C, nhưng phải đến tháng 8/2016 dự án mới thông xe toàn tuyến.

Tuy nhiên đến nay, vẫn còn nhiều hộ dân khiếu nại, khiếu kiện về chính sách đền bù và quy hoạch hướng tuyến, việc quyết toán giữa thành phố với chủ đầu tư chưa đạt được sự đồng thuận.

[Việt Nam tạo điều kiện để doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư]

Để triển khai dự án, Thành phố Hồ Chí Minh đã phải giải tỏa gần 4.000 hộ dân với diện tích ảnh hưởng 62,53 ha, di dời hơn 42 công trình hạ tầng kỹ thuật.

Chi phí xây dựng của dự án hơn 2.900 tỷ đồng, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 7.500 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai, dự án đã có nhiều sai phạm được Thanh tra Chính phủ nêu rõ tại Kết luận số 158/KL-TTCP ngày 30/1/2011.

Theo Thanh tra Chính phủ, giá trị con đường là 171,8 triệu USD được Công ty GS E&C lập theo đơn giá xây dựng đầu năm 2010 nhưng không có đơn giá chi tiết; không được thẩm định nên không có cơ sở khẳng định tính chính xác.

Có 5 khu đất Ủy ban Nhân dân thành phố dùng để thanh toán cho hợp đồng BT gồmkhu đất Thảo Điền 1, Thảo Điền 2, số 90A Lý Thường Kiệt, khu đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đất phường Long Bình, quận 9 với tổng diện tích hơn 1 triệu m2.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã cho Công ty GS E&C thuê 5 khu đất nhưng không trình Hội đồng Nhân dân thành phố là trái quy định; không chỉ đạo Công ty GS E&C và các ngành chức năng của thành phố lập quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đối với các khu đất được giao.

Từ đó, các khu đất được giao cho Công ty GS E&C thuê không có cơ sở để lập dự án và định giá. Các khu đất này cũng không qua đấu giá, tự định giá 2 khu đất cho thuê, từ đó làm lợi cho nhà đầu tư, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 44,304 triệu USD.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, dự thảo hợp đồng BT dự án Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài được chỉnh sửa nhiều lần.

Tại thời điểm ký hợp đồng có sự thay đổi nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam dẫn tới nhiều điều khoản xung đột với pháp luật, không phù hợp với thực tế hoặc chưa có cơ sở đảm bảo tính chính xác, phát sinh những bất cập.

Mặt khác, Công ty GS E&C và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã cố ý ghép 2 loại dự án xây dựng đường và dự án kinh doanh bất động sản vào cùng một hợp đồng BT là vi phạm quy định, làm phức tạp thêm quá trình đàm phán, dễ rủi ro khi ký hợp đồng cũng như trong quá trình triển khai dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục