Giải Thông tin đối ngoại: Hy vọng thành công ngay “lần đầu ra quân”

Lần đầu tiên có giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại và còn “mở cửa” cho các tác giả là người nước ngoài. Phó trưởng Ban Chỉ đạo Giải kỳ vọng sự kiện sẽ thành công ngay “lần đầu ra quân."
Giải Thông tin đối ngoại: Hy vọng thành công ngay “lần đầu ra quân” ảnh 1Ông Ngô Hà Thái, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Lần đầu tiên có giải thưởng toàn quốc dành cho thông tin đối ngoại ở Việt Nam. Đặc biệt, giải thưởng này còn “mở cửa” cho các tác giả là người nước ngoài có cơ hội tranh tài.

Cũng vì thế, trong giai đoạn sơ khảo có hạng mục giải cần “có tới 10 tiểu ban để chấm 10 ngữ khác nhau,” ông Ngô Hà Thái, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và là Phó trưởng Ban Chỉ đạo Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ I năm 2014, cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên VietnamPlus.

Một sáng kiến nhanh chóng được ủng hộ...

- Được biết, trong việc tổ chức giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ Nhất - 2014, TTXVN là cơ quan thường trực, vậy vai trò chính của TTXVN là gì, thưa ông?

Ông Ngô Hà Thái: TTXVN chính là cơ quan có sáng kiến tổ chức một giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại. Trong vai trò là hãng thông tấn quốc gia, là cơ quan thông tin chính thức của Nhà nước, TTXVN đương nhiên có một chức năng mang tính trụ cột là thông tin đối ngoại và thực tế từ lâu đã trở thành một trong những trung tâm thông tin đối ngoại hàng đầu của cả nước. Cũng vì thế, TTXVN luôn mong muốn có một giải thưởng riêng mang tầm quốc gia cho lĩnh vực thông tin này.

Đáng mừng là sáng kiến nói trên nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng rộng rãi; được Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban chỉ đạo công tác Thông tin đối ngoại Trung ương và các bộ, ban, ngành hết sức ủng hộ. Cũng từ đó Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban chỉ đạo công tác Thông tin đối ngoại Trung ương đã quyết định thành lập Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại. Điều này cho thấy thông tin đối ngoại đang được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.

Vì có sáng kiến tổ chức Giải, nên TTXVN đã được chỉ định làm cơ quan thường trực của giải đầu tiên và trên cương vị này, TTXVN đã tích cực giúp Ban Tuyên giáo và Ban chỉ đạo công tác Thông tin đối ngoại Trung ương cố gắng thực hiện tốt mọi khâu liên quan đến việc tổ chức Giải, từ soạn thảo điều lệ, quy chế giải cho đến việc chấm giải thông qua hội đồng chung khảo và các ban sơ khảo gồm nhiều chuyên gia về thông tin đối ngoại hàng đầu ở Việt Nam cũng như tiến hành Lễ trao giải v.v...

Thông tin đối ngoại là một khái niệm hết sức bao quát và rộng lớn, vì thế trên cương vị là cơ quan thường trực của Giải, TTXVN đã đề xuất tại mùa giải đầu tiên cần phải thu hẹp đối tượng xét trao giải để sao cho giải thưởng này không bị chồng chéo với những giải khác, đồng thời có thể gặt hái được thành công ngay trong “lần đầu ra quân.”

TTXVN hy vọng thành công của mùa giải đầu tiên sẽ tạo đà để giải thưởng này tiếp tục được mở rộng và phát triển với mục tiêu trở thành một trong những giải thưởng quan trọng của cả nước trong những năm tới.

Vì đây là một giải thưởng toàn quốc, nên TTXVN cũng đề xuất giải thưởng này sẽ được các cơ quan chủ lực trên lĩnh vực thông tin đối ngoại – thí dụ tiếp theo TTXVN có thể là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam hay báo Nhân Dân, về lâu dài thậm chí là Bộ Thông tin & Truyền thông - luân phiên nhau đứng ra hỗ trợ Ban chỉ đạo công tác Thông tin đối ngoại Trung ương tổ chức thực hiện.

- Ông vừa nói thông tin đối ngoại là một khái niệm hết sức rộng lớn và để có thể thành công ngay từ mùa giải đầu tiên, cần thu hẹp đối tượng xét trao giải. Ông có thể nói kỹ thêm về vấn đề này?

Ông Ngô Hà Thái: Không chỉ báo chí, mọi lĩnh vực hoạt động có khả năng quảng bá hình ảnh quốc gia; tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước v.v... như giao lưu, tổ chức sự kiện (thí dụ Ngày Văn hóa Việt Nam, triển lãm, festival...) hay xuất bản sách, sản phẩm đa phương tiện... đều được coi là thông tin đối ngoại.

Vì lần đầu tiên tổ chức, phần nào có tính thí điểm, nên Giải toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần I chỉ xét tới lĩnh vực báo chí. Có thể trong những mùa giải tới, giải thưởng này sẽ tiếp tục được mở rộng sang những lĩnh vực còn lại.

Ngay cả thông tin đối ngoại trên lĩnh vực báo chí cũng là một khái niệm rất rộng, nó bao gồm cả việc đưa thông tin về thế giới vào Việt Nam, ta vẫn gọi là thông tin “quốc tế đối nội,” dành cho công chúng là người Việt Nam ở trong nước.

Để tránh cho giải quá rộng đồng thời tạo sự khác biệt với giải báo chí quốc gia, TTXVN đề xuất: Thứ nhất, lĩnh vực báo chí trong Giải toàn quốc về Thông tin đối ngoại chỉ hướng tới những tác phẩm báo chí dành cho công chúng ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, gồm người nước ngoài và cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài; thứ hai, các tác giả nước ngoài cũng được quyền tham dự Giải. Có lẽ đây là giải báo chí duy nhất của cả nước có sự tham gia của các tác giả nước ngoài.

Là giải dành cho cả tác giả nước ngoài nên TTXVN cũng đề xuất khi chấm giải sẽ chấm trực tiếp bằng bản ngữ chứ không dịch ra tiếng Việt. Nếu bắt chuyển ngữ sang tiếng Việt, chúng ta sẽ rất khó vận động các tác giả nước ngoài tham gia.

Vấn đề này cũng gây nhiều khó khăn cho Ban Tổ chức Giải, thí dụ liên quan đến hạng mục giải báo in và báo điện tử, trong ban sơ khảo phải có tới 10 tiểu ban để chấm 10 ngữ khác nhau gồm: Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Bulgaria và Lào. Trong các tiểu ban này, thậm chí chúng ta dùng cả chuyên gia nước ngoài biết tiếng Việt để chấm, một điều có lẽ cũng hiếm thấy ở Việt Nam.

Với tư cách cơ quan thường trực, chúng tôi hy vọng sẽ có những tác giả nước ngoài đoạt giải lần này.

Thay đổi tư duy để tiếp cận công chúng ngoài nước

- Ông đánh giá thế nào về lợi thế cũng như hạn chế của đội ngũ phóng viên, biên tập viên làm công tác thông tin đối ngoại ở một hãng thông tấn quốc gia như TTXVN?

Ông Ngô Hà Thái: Như đã nói, TTXVN là một trong những trung tâm thông tin đối ngoại hàng đầu ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là thông tin đối ngoại bằng tiếng nước ngoài. Là hãng thông tấn duy nhất của cả nước, suốt gần 70 năm qua, TTXVN liên tục đưa nguồn tin chính thức về Việt Nam ra khắp thế giới bằng các thứ ngữ khác nhau và những năm gần đây còn được mở rộng bằng nhiều loại hình khác nhau (tin văn bản, tin ảnh, tin truyền hình...).

Bên cạnh việc phát tin thông tấn (tin nguồn) cho các cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài, TTXVN còn trực tiếp xuất bản nhiều tờ báo thông tin đối ngoại thuộc loại hàng đầu cả nước như Báo ảnh Việt Nam, tạp chí đối ngoại đầu tiên ở nước ta (ra đời năm 1954); Việt Nam News, hiện là tờ báo tiếng Anh có lượng phát hành lớn nhất Việt Nam; Le Courrier du Vietnam, tờ báo tiếng Pháp duy nhất của cả nước; Vietnam Law & Legal Forum, tạp chí thông tin luật pháp tiếng nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam; Thời báo Việt-Hàn, tờ báo tiếng Hàn duy nhất của cả nước v.v...

Tóm lại, TTXVN hiện có một đội ngũ nhà báo làm thông tin đối ngoại khá hùng hậu, hoạt động trên nhiều loại hình truyền thông và ngôn ngữ khác nhau.

Tuy nhiên, trước những nhu cầu mới đặt ra trong thực tiễn truyền thông hiện nay, chất lượng của nguồn nhân lực này cần phải tiếp tục được nâng cao. Thực tế thông tin đối ngoại của TTXVN, đặc biệt thông tin bằng tiếng nước ngoài, phần nào còn xơ cứng, chưa phù hợp với cách đọc, cách nghĩ của người ngoài nước… Đó là một hạn chế mà những người làm báo TTXVN cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Người nước ngoài và người Việt sinh sống ở ngoài nước thường có cách suy nghĩ khác, thậm chí có những quan điểm ngược chiều với chúng ta. Để có thể thuyết phục những đối tượng công chúng mang tính đặc thù này, chúng ta cần đổi mới tư duy thông tin, cần có cách tiếp cận và xử lý vấn đề hoàn toàn khác. Đây là một thách thức không chỉ đối với TTXVN, mà đối với toàn bộ đội ngũ những người làm công tác thông tin đối ngoại nói chung trên cả nước.

- Để có hiệu quả, ngoài đổi mới phương thức thông tin, chúng ta còn phải thay đổi cách phổ biến thông tin?

Ông Ngô Hà Thái: Dĩ nhiên rồi. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, chắc chắn thông tin mạng ngày càng chiếm ưu thế, đặc biệt đối với công chúng ngoài nước. Những năm gần đây TTXVN đã chuyển mạnh sang thông tin đa phương tiện: Về thông tin thông tấn (tin nguồn cung cấp cho hệ thống truyền thông trong và ngoài nước), ngoài tin văn bản và tin ảnh, TTXVN đã mở rộng cung cấp cả tin truyền hình, tin đồ họa và tin âm thanh.

Trên lĩnh vực đưa thông tin trực tiếp tới công chúng, ngoài các tờ báo in TTXVN còn cho ra mắt kênh truyền hình, báo điện tử...

Ngay cả các tờ báo in của TTXVN cũng chuyển mạnh sang thông tin mạng: Thí dụ báo Le Courrier du Vietnam đã ngưng xuất bản báo in hàng ngày để chuyển sang làm báo điện tử và tập trung phát triển tờ báo tuần; Báo Ảnh Việt Nam hiện xuất bản 9 thứ ngữ, trong đó nhiều ngữ được xuất bản chỉ ở dạng báo điện tử v.v... Không dừng lại ở đó, nhiều tờ báo đối ngoại của TTXVN bắt đầu đẩy mạnh việc thông tin trên các trang mạng xã hội v.v...

- Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục