Dẫu ngành xuất bản trong năm qua đã chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, Giải thưởng Sách quốc gia 2021 vẫn quy tụ những tác phẩm tốt, số lượng sách tham dự nhiều hơn năm trước, đặc biệt nhiều lĩnh vực như sách thiếu nhi, sách chuyên khảo, văn học dịch... đều có những tác phẩm chất lượng nổi bật.
Đó là những tin vui về mùa giải năm nay mà ông Hoàng Phong Hà, Phó chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia 2021 chia sẻ trong buổi họp báo ngày 10/11.
Sách thiếu nhi ngày càng chất lượng
Trong điều kiện dịch bệnh gây khó khăn lớn cho ngành xuất bản, nhiều đơn vị vẫn gửi sách tham gia dự giải. Số lượng sách tham gia năm nay nhiều hơn năm ngoái. Cụ thể, Hội đồng đã nhận được 284 tựa sách và bộ sách (bao gồm 365 cuốn) của 47 nhà xuất bản, bao gồm cả sách dịch và sách của các tác giả trong nước.
Ông Hoàng Phong Hà cho biết năm nay số lượng và chất lượng sách thiếu nhi của các tác giả Việt Nam tăng vượt trội, chứng tỏ rằng ngày càng có nhiều tác giả quan tâm, đầu tư cho mảng sách này.
[Vinh danh 'Bài thơ của một người yêu nước' ở Giải thưởng Sách quốc gia]
“Tôi cho rằng đó là tín hiệu vui bởi nhiều năm nay chúng ta thấy Việt Nam có ít tác phẩm chất lượng cho trẻ em. Giải A và giải B của Giải thưởng Sách quốc gia năm nay đều gọi tên sách thiếu nhi. Trong đó có những cuốn sách còn được nhà xuất bản ở nước ngoài mua bản quyền để dịch và phát hành, chẳng hạn như cuốn sách 'Chuyện của anh em nhà Mem và Kya' của nhà văn Nguyễn Quang Thiều hiện sắp được xuất bản tại Hàn Quốc,” ông Hà nói.
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, thành viên Hội đồng chung khảo mảng sách thiếu nhi, nhận xét: “Các tác phẩm đa dạng nội dung, truyền tải thông điệp về tình yêu nước, con người, bảo vệ động vật... Cách thể hiện cũng phong phú - tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tranh...”
Ông Lê Hoàng cho rằng những cuốn sách ở mảng này sẽ hình thành trong độc giả trẻ tình yêu thương gia đình, quê hương, đất nước và thiên nhiên. Qua đó, các em biết trân quý hơn sức lao động, giá trị bình đẳng, công bằng xã hội.
"Hiệu ứng từ Giải thưởng Sách quốc gia phần nào sẽ giúp mọi người quan tâm và tìm đọc các tác phẩm đoạt giải. Việc lựa chọn sách hướng đến thiếu nhi, giới trẻ sẽ góp phần lan tỏa niềm yêu thích đọc sách, phát triển văn hóa đọc sâu rộng hơn," ông nói.
Công tác chấm, xét giải được chuẩn bị kỹ
Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư khẳng định dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng không ảnh hưởng tới quá trình thẩm định và chấm giải. Hội đồng gồm 19 thành viên, là học giả, người đứng đầu các tổ chức học thuật, nghiên cứu chuyên ngành.
Về cách thức chấm giải, một thành viên không đọc tất cả sách, mà phải chia ra các nhóm: Sách văn học-nghệ thuật, sách khoa học tự nhiên và công nghệ, sách khoa học xã hội và nhân văn, sách thiếu nhi, sách chính trị-kinh tế… Hội đồng Sơ khảo chia thành các tiểu ban theo từng nhóm sách để việc đọc, chấm sách được chuyên sâu, phù hợp chuyên môn của từng chuyên gia.
Khi các tiểu ban chấm xong mới đưa sách và nhận xét về Hội đồng Chung khảo. Lúc đó, Hội đồng Chung khảo, Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia mới bàn thảo, xem xét chung.
Ông Hoàng Phong Hà cho hay: “Qua kết quả chấm của các tiểu ban chuyên ngành của Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng Chung khảo cho thấy các cuốn sách được đề xuất xét trao giải đều bảo đảm chất lượng nội dung và hình thức."
Tại cuộc họp báo, ông Hà cũng giải thích lý do sách của ông Nguyễn Quang Thiều đoạt giải dù ông tham gia Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia với tư cách Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
“Theo quy chế, sách tham dự giải thưởng do nhà xuất bản gửi. Với cuốn sách này, Nhà xuất bản Trẻ gửi dự Giải thưởng Sách quốc gia chứ không phải tác giả Nguyễn Quang Thiều. Thêm vào đó, ông Thiều không tham gia cả hội đồng sơ khảo và chung khảo mảng sách thiếu nhi, do đó không có chuyện ông Thiều tự chấm cho sách của mình đạt giải,” ông Hà phân tích.
Ông Hoàng Phong Hà cũng tiết lộ thêm rằng Giải thưởng Sách quốc gia được chấm vô cùng chặt chẽ, qua nhiều vòng bỏ phiếu kín, phản biện kín và còn được gửi sang Cục Xuất bản, In và Phát hành để Cục trưởng Nguyễn Nguyên cùng các chuyên gia của Cục thẩm định.
"Các cuốn sách được tiểu ban chuyên ngành Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng Chung khảo đề cử giải A đều được mời các chuyên gia phản biện độc lập. Đây là những tác phẩm có giá trị cao về nội dung và hình thức, đã được cấp bản quyền và nộp lưu chiểu đúng quy định,” ông Nguyễn Nguyên nói.
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, từng là thành viên Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia khẳng định năm nay công tác tổ chức chấm giải, xét giải quy củ, bài bản hơn. Các chuyên gia đầu ngành được mời vào các Hội đồng Sơ khảo, Chung khảo đều là những nhà khoa học có tên tuổi, họ đưa ra những nhận xét kỹ lưỡng về sách dự giải. Điều đó cho thấy ý thức về giải thưởng càng ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Năm nay là lần thứ ba giáo sư, nhà giáo nhân dân Vũ Dương Ninh tham gia Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia. Ông nhận xét về cách chấm giải: “Tôi đã đọc tất cả biên bản của Hội đồng Sơ khảo, Hội đồng Chung khảo. Tôi thấy các nhà phê bình, chuyên gia đều có nhận xét nghiêm túc, có sự so sánh cẩn trọng giữa các cuốn sách cùng một lĩnh vực.”
Ông Vũ Dương Ninh cho rằng cách sắp xếp các giải đều tốt, phản ánh đúng kết quả nghiên cứu của các tác giả, cũng như công trình của các nhóm tác giả./.