Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trình bày chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã báo cáo thẩm tra nội dung này.
Theo đó, tổng nguồn vốn đề xuất thực hiện đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được điều chỉnh giảm từ 90.260 tỷ đồng xuống còn 75.000 tỷ đồng.
Xoay quanh vấn đề này, các đại biểu Quốc hội đã trình bày nhiều ý kiến khác nhau, kiến nghị giải pháp để triển khai Chương trình.
Nhiều khó khăn khi thực hiện
Đánh giá cao ý nghĩa của các Chương trình mục tiêu Quốc gia đem lại, đại biểu Bố Thị Xuân Linh, đại biểu tỉnh Bình Thuận đề nghị Chính phủ cần quan tâm đầu tư cho các địa phương, tập trung triển khai xây dựng nông thôn mới. Chính phủ cần xem xét nguồn lực đầu tư để đạt các tiêu chí này phải đảm bảo tính khả thi, nhất là tiêu chí đạt nông thôn mới kiểu mẫu, quan trọng là phải chất lượng, không chạy theo thành tích.
Đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện chương trình như về nguồn đầu tư, công tác tuyên truyền nhận thức cho người dân còn hạn chế, chủ thể người nông dân chưa được phát huy trong xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Tình hình buôn bán ma túy, trộm cắp ngày càng phức tạp, số lượng người buôn bán ma túy tăng lên, nạn bạo lực gia đình ở khu vực nông thôn gia tăng…
[Cần 75.000 tỷ đồng để giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025]
Về giải pháp thực hiện, đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, chú trọng quản lý chặt chẽ nguồn lực và quản lý hiệu quả, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội, giám sát của cộng đồng dân cư, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Nhân dân phối hợp cùng các tổ chức chính trị xã hội tham gia giám sát cộng đồng dân cư trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Đi liền với đó là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, biểu dương người tốt việc tốt, thông tin đến đại chúng để nhân rộng những gương điển hình.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (tỉnh Thái Nguyên) cho rằng cần có một Ban chỉ đạo chung cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững để đảm bảo sự thống nhất trong điều phối nguồn lực, thực hiện các mục tiêu phát triển chung.
'Cho cần câu, không cho con cá'
Đi biểu Đoàn Thị Hảo (tỉnh Thái Nguyên) đề nghị Chính phủ xác định rõ nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia và tăng cường phân cấp, giao nguồn vốn cho các địa phương chủ động triển khai thực hiện các hạng mục cần thiết, phù hợp. Đối với việc giảm nghèo đa chiều và thực hiện giảm nghèo bền vững, thay vì hỗ trợ người dân một khoản tiền nhất định nào đó thì nên tạo việc làm từ nguồn hỗ trợ, tìm giải pháp để người dân ổn định cuộc sống, thoát nghèo một cách chắc chắn.
Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu U Huấn (tỉnh Kon Tum), cho rằng nên có giải pháp giúp người dân thoát nghèo bằng tạo kế sinh nhai lâu dài cho đối tượng thông qua tăng cường đào tạo nghề cho vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số gắn với công việc, thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, cần có nguồn vốn hỗ trợ cho đồng đồng bào dân tộc thiểu số trong khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp cho thanh niên. Ngoài ra, tiêu chuẩn về hộ nghèo, cận nghèo ở các địa bàn, vùng miền cũng cần rõ hơn nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng quản lý việc hỗ trợ một cách thuận lợi hơn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Trong công tác xóa đói giảm nghèo thì quan trọng nhất là giúp người nghèo cần câu chứ cho con cá thì chỉ một vài ngày là hết. Tôi thấy chúng ta phải tập trung hướng dẫn cho người nghèo cách sản xuất, kinh doanh làm ăn.”
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề cao tầm quan trọng của giáo dục, nâng cao dân trí, trình độ học vấn bởi đây là mấu chốt của thoát nghèo.
Tâm đắc với ý kiến của ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho rằng thoát nghèo đã khó, thoát nghèo bền vững còn khó hơn. Để thoát nghèo bền vững, bên cạnh tuyên truyền để người nghèo thay đổi nhận thức quyết tâm vươn lên thì điều quan trọng là phải nâng cao trình độ, tay nghề.
Về giải pháp, đại biểu Hoàng Thị Thúy Lan cho rằng cần phải có chiến lược và chương trình về giáo dục vì không học thì không thể có tay nghề. Nếu chỉ hỗ trợ thì hết tiền hết sức lực, hết sức lực thì hết tiền, như thế thì không bền vững được.
Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Hà Nội) đề nghị ưu tiên cho vấn đề sinh kế, giáo dục nâng cao nhận thức vì đây là vấn đề cốt lõi để giảm nghèo.
“Sinh kế cho người dân phải là số một. Có sinh kế rồi thì đào tạo bồi dưỡng con người để phù hợp với sinh kế ấy. Với các tỉnh miền núi, nơi tỷ lệ nghèo chiếm đa số thì vấn đề sinh kế là trọng tâm chứ không chỉ vấn đề hạ tầng,” ông nói.
Chia sẻ trải nghiệm của bản thân, đại biểu cho hay ông từng đến đèo Pha Đin (Điện Biên), người dân trồng cây thông 30 năm, thân cây mới to bằng cổ tay mà không nhiều cây sống được.
“Ở nhiều vùng, nhiều xã nghèo hiện nay đang khó khăn về sinh kế. Người dân chăm chỉ, chịu khó nhưng không biết làm gì, không có công cụ sản xuất, đất đai khó canh tác. Với nguồn ngân sách 75.000 tỷ đồng mà Chính phủ đề nghị cho công tác giảm nghèo bền vững, cần chỉ đạo sát sao để tập trung vào vấn đề tạo sinh kế cho người dân, nếu không sẽ không giảm nghèo được mà lãng phí nguồn lực,” đại biểu khẳng định.
Quan tâm đặc biệt đến những hộ nghèo do COVID-19
Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Quốc hội thành phố Hà Nội) đề nghị Chính phủ chú ý đến các đối tượng nghèo mới do tác động của COVID-19, bởi Chương trình này khi xây dựng chưa đề cập kỹ đến tác động của dịch bệnh đối với các hộ nghèo, đặc biệt là những lao động phổ thông khi không có việc làm ổn định ở thành phố phải về quê. Đây là những hộ nghèo đa chiều về y tế, giáo dục, thậm chí cả nước sinh hoạt.
Việc cứu trợ của nhà nước hay các tổ chức, nhà hảo tâm chỉ trong thời điểm nào đó không thể duy trì dài được. Vì thế Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm hơn đến các đối tượng này, bởi các khoản hỗ trợ của Chính phủ về phòng, chống COVID-19 chỉ mang ý nghĩa tạm thời. Chương trình cần mở thêm mục các đối tượng, trong đó cần thêm đối tượng là các hộ mới bị nghèo do tác động của dịch. Bên cạnh đó, do đặc thù nên cần có ưu tiên về thủ tục, cách làm để các gói hỗ trợ đến đúng được đối tượng, bảo đảm thực hiện hiệu quả, kịp thời. Đúng như tinh thần của Đảng, Chính phủ là “không để ai bị bỏ lại phía sau.”
Chỉ ra từ thực tiễn khảo sát tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Thị Diệu Thuý đề nghị Chính phủ đánh giá sâu sắc thêm hiện trạng giảm nghèo hiện nay, vì dịch bệnh COVID-19 đã làm cho số người lao động mất việc, thiếu việc tăng cao, khiến cho một số hộ cận nghèo tái nghèo, trong khi những người nghèo thì đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Không chỉ mất việc làm, mà họ cũng đã sử dụng hết dự trữ. Về phía doanh nghiệp, cũng sẽ có nhiều chủ doanh nghiệp không còn khả năng bố trí công ăn việc làm cho người lao động như cũ nữa.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy kiến nghị phân rõ thành nhiều nhóm đối tượng với mức độ nghèo và tình trạng lao động khác nhau (mất sức lao động, có sức lao động nhưng không làm việc, mất việc...), từ đó có giải pháp thích hợp với từng nhóm đối tượng. Những giải pháp giảm nghèo cần mang tính bền vững.
Đại biểu tỉnh Khánh Hòa, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có một số kiến nghị riêng về nguồn vốn đối với Khánh Hòa, để đảm bảo thực hiện tốt chỉ tiêu Chính phủ đề ra.
“Tình hình dịch bệnh gây khó khăn cho việc thu ngân sách địa phương đặc biệt đối với Khánh Hòa, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì trong hai năm nay đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh,” đại biểu chia sẻ.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bà kiến nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ để tỉnh Khánh Hòa tiếp tục triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình liên thôn, liên xã, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội để giảm nghèo bền vững./.