Giãn lộ trình tăng lương để giảm sức ép cho DN

Nhằm giảm bớt sức ép cho DN, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình Chính phủ phương án giãn lộ trình tăng lương tới 2017, thay vì 2015 như dự kiến.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết lộ trình tăng lương sẽ được giãn ra để giảm bớt sức ép cho các doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế khó khăn.

Phát biểu tại hội thảo tập huấn triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định mức lượng tối thiểu vùng năm 2013 tổ chức sáng 18/12, Thứ Trưởng Phạm Minh Huân cũng cho biết thêm Bộ đang chuẩn bị để trình lại Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu trong những năm tiếp theo.

“Trước đó, mục tiêu đề ra là đến năm 2015, lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu. Như vậy, mỗi năm phải tăng 35-40% nhưng trong điều kiện cụ thể hiện nay, nhiều doanh nghiệp sẽ không đáp ứng được mức tăng lương này. Vì vậy, Bộ sẽ tính toán lại để giãn lộ trình tăng lương, mục tiêu lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu có thể lùi lại đến 2016 hoặc năm 2017," Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.

Ông cho biết từ năm 2014, khi thực hiện Bộ Luật Lao động (mới), Chính phủ quy định điều chỉnh theo Hội đồng tiền lương quốc gia (có đại diện Nhà nước, người lao động và người sử dụng lao động).
 
Cơ chế điều chỉnh lương sẽ là 3 bên. Khi đó, mức lương tối thiểu là phương án để hai bên người lao động và người sử dụng lao động đều có thể chấp nhận được với nhau. Chính phủ sẽ là trọng tài để hai bên có thể lựa chọn phương án chung.
 
Cũng tại hội thảo này, Bộ lao động-Thương binh và Xã hội đã giới thiệu Thông tư số 29/2012/TT-BLĐTBXH để hướng dẫn thực hiện Nghị định số 103/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lượng tối thiểu vùng sẽ có hiệu lực từ từ ngày 25/1/2013.

Thông tư yêu cầu năm 2013, khi áp dụng các quy định về mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, tiền lương hoặc phụ cấp làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Thông tư cũng khuyến khích các doanh nghiệp thỏa thuận áp dụng lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng để làm căn cứ thực hiện chế độ đối với người lao động; trả lương cho người lao động cao hơn quy định của Nhà nước.

Song song với việc hướng dẫn thi hành nghị quyết về mức lương tối thiểu năm 2013, hội thảo còn thảo luận nhiều vấn đề xung quanh việc quy định mức lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, cách tính thang lương, bảng lương…/.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục