Giáo dục Việt Nam sẽ vượt mục tiêu Thiên niên kỷ

Đến năm 2015, Việt Nam không chỉ hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ đối với giáo dục tiểu học mà còn hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, trong đó nhiều vùng sẽ hoàn thành phổ cập THPT và sẽ vượt xa mục tiêu chung.

Đến năm 2015, Việt Nam không chỉ hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ đối với giáo dục tiểu học mà còn hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, trong đó nhiều vùng sẽ hoàn thành phổ cập THPT và sẽ vượt xa mục tiêu chung.

Đây là một đánh giá đuợc nêu trong báo cáo "Việt Nam tiếp tục chặng đường thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ năm 2008", do Việt Nam làm chủ biên với sự giúp đỡ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), được công bố ngày 2/6 tại Hà Nội.
 
Theo báo cáo, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vượt trước 15 năm (năm 2000) so với cam kết là vào năm 2015. Từ đó đến nay, Việt Nam tiếp tục duy trì và từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, huy động tối đa số trẻ em trong độ tuổi tiểu học được đến trường. Năm học 2006 - 2007, tỷ lệ trẻ nhập học cấp tiểu học đúng tuổi đạt 95,96% và giảm dần sự chênh lệch giữa các vùng về tỷ lệ nhập học đúng tuổi.
 
Công tác phổ cập giáo dục THCS cũng đang được triển khai tích cực. Đến cuối năm 2007, đã có 42/64 tỉnh, thành phố đạt chuẩn quốc gia về phổ cập THCS. Tỷ lệ hoàn thành cấp THCS năm học 2006 - 2007 đạt 76,59%. Tỷ lệ trẻ em người dân tộc thiểu số (so với tổng số học sinh) cấp THCS tăng hàng năm.
 
Cũng theo đánh giá của báo cáo, cơ sở vật chất kỹ thuật các trường học được nâng cấp và cải thiện rõ rệt. Mạng lưới trường được sắp xếp ổn định, đều khắp. Phần lớn các xã ở vùng đồng bằng đều có trường THCS, hầu hết các xã trong toàn quốc đều có trường tiểu học; nhiều tỉnh còn được bố trí trường tiểu học tới tận thôn, bản. Hệ thống các trường dân tộc nội trú tỉnh, huyện được củng cố.
 
Nhờ vậy, tỷ lệ biết chữ trong dân số từ 10 tuổi trở lên là 93,9%, trong đó thành thị 96%, nông thôn 92%. Vùng đạt tỷ lệ này cao nhất là Đồng bằng sông Hồng (96,4%), vùng có tỷ lệ thấp nhất là Tây Bắc (81%). Tỷ lệ biết chữ trong dân số độ tuổi 15-24 là 93,9%. Tỷ lệ nam biết chữ là 96%, cao hơn so với nữ.
 
Hiện nay, đầu tư cho giáo dục và đào tạo được Nhà nước quan tâm đặc biệt, coi đó là đầu tư cho phát triển. Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như vẫn còn một bộ phận trẻ em trong độ tuổi chưa được đến trường; nhiều em chưa tốt nghiệp cấp học đúng tuổi; tỷ lệ nhập học đúng tuổi ở các cấp vẫn còn có sự chênh lệch; tình trạng bỏ học ở các cấp học...
 
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như cải cách chương trình giảng dạy; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, trang bị lại trường sở; đào tạo lại đội ngũ giáo viên; củng cố đội ngũ làm công tác quản lý giáo dục; tăng chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo; đồng thời sẽ tiếp tục huy động sự đóng góp của các tầng lớp dân cư, của các doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục; xây dựng các trường tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục