Giới lập pháp Mỹ khẳng định đi tiên phong trong chống biến đổi khí hậu

Tổng thống Joe Biden khẳng định Mỹ sẽ không tụt hậu trong cuộc chiến này mà sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt và những cam kết khí hậu không chỉ dừng ở lời nói mà được thể hiện bằng hành động.
Giới lập pháp Mỹ khẳng định đi tiên phong trong chống biến đổi khí hậu ảnh 1Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 21/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 9/11, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã bày tỏ mong muốn khắc phục những thiệt hại của việc nước Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, đồng thời tuyên bố “nước Mỹ đã trở lại” để đi tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Pelosi là thành viên phái đoàn của Mỹ gồm 20 người, trong đó có chủ tịch của các uỷ ban chủ chốt trong Hạ viện Mỹ, để tham dự các cuộc họp song phương và các cuộc thảo luận với các đối tác quốc tế trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đang diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh).

Trong phát biểu của mình, bà nêu rõ: “Chúng tôi (Mỹ) đến đây khi được trang bị đầy đủ, sẵn sàng đón nhận thách thức và bắt kịp thời điểm."

Nỗ lực đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu là vì tương lai của một lớp thế hệ trẻ khỏe mạnh và an toàn hơn.

Trong khi đó, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez theo đường lối cực tả, “kiến trúc sư” chính của “Thỏa thuận xanh mới,” tuyên bố: “Mỹ đang trở lại diễn đàn quốc tế với tư cách là nước đi đầu về hành động vì khí hậu và giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.”

Bà Ocasio-Cortez cũng thừa nhận những thiệt hại do việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu gây ra, khẳng định nước này phải thực sự hành động để khôi phục sự tôn trọng trên trường quốc tế.

[Mỹ thừa nhận sai lầm khi rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu]

Về phần mình, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Veronica Escobar đã chỉ ra mối liên hệ giữa vấn đề khí hậu với làn sóng người di cư từ các nước Trung Mỹ tới Mỹ.

Trong 25 năm làm việc trong lĩnh vực nhập cư, bà chia sẻ chưa bao giờ thấy nhiều người di cư phải rời bỏ quê hương vì tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay.

Hạn hán và các hình thái thời tiết cực đoan đã làm gián đoạn nền nông nghiệp vốn sử dụng nhiều nguồn nước mưa.

Ngoài ra, khu vực này đã bị tàn phá trong các cơn bão và các đợt hạn hán ngày càng nghiêm trọng. Bà cảnh báo vấn nạn di cư có thể còn tồi tệ hơn nhiều trong vài năm tới.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới trong khuôn khổ Hội nghị COP26, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bình luận về quyết định trước đây của chính quyền Tổng thống Donald Trump rút nước này khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Tổng thống Biden nói: "Tôi nghĩ mình không nên đưa ra lời xin lỗi nhưng thực sự, tôi phải xin lỗi cho thực tế rằng Mỹ - dưới thời chính quyền trước - đã rời khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Cuộc gặp của chúng ta tại Glasgow hôm nay không phải kết thúc một hành trình. Đây mới chỉ là vạch xuất phát. Chúng ta có các công cụ lẫn tài nguyên. Tôi nghĩ chúng ta cần phải đưa ra những lựa chọn."

Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẽ không tụt hậu trong cuộc chiến này mà sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt và những cam kết khí hậu không chỉ dừng ở lời nói mà được thể hiện bằng hành động.

Ông tin rằng Mỹ có thể hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 giảm từ 50 đến 52% lượng khí phát thải so với năm 2005./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục