Việt Nam có kho tàng di sản văn hóa phong phú, giàu bản sắc - “sức mạnh mềm,” góp phần tích cực phát triển đất nước thời kỳ hội nhập. Đáng tự hào là giới trẻ ngày càng trân trọng và phát huy giá trị văn hóa quý báu của cha ông.
Họ không ngừng sáng tạo để tiếp nối mạch nguồn văn hóa, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa “sức mạnh mềm” nội sinh của dân tộc trong dòng chảy đương đại.
Người trẻ đam mê sáng tạo
Giới trẻ cho rằng cần thay đổi tư duy về các giá trị truyền thống. Chúng ta có kho tàng văn hóa giàu có, đậm bản sắc nhưng không thể “bê” nguyên truyền thống vào cuộc sống đương đại.
Tranh dân gian Hàng Trống nổi tiếng một thời nay chỉ còn duy nhất nghệ nhân Lê Đình Nghiên đau đáu với nghề. May mắn thay, sự bền lòng của ông với dòng tranh này đã tiếp lửa, truyền cảm hứng cho người trẻ sáng tạo, đưa tinh hoa dòng tranh này đến với công chúng theo một cách mới mẻ, hiện đại, dễ tiếp cận hơn.
“Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống” là tên cuốn sách của nhà thiết kế Trịnh Thu Trang ra mắt năm 2018. Đây là kết quả nghiên cứu dài hơi của dự án “Họa sắc Việt” do chị Trịnh Thu Trang và nhóm S-River thực hiện. Họ đã đi sâu tìm hiểu chi tiết về dòng tranh Hàng Trống, đưa ra các ứng dụng màu sắc, họa tiết tinh hoa của dòng tranh này ứng dụng lên các sản phẩm.
Cụ thể, nhóm đưa ra 4 nhóm họa tiết phổ biến trong tranh Hàng Trống, cùng với đó là 16 cách triển khai họa tiết cổ để phát triển thành họa tiết sáng tạo. Đây cũng là dự án đầu tiên ở nước ta cung cấp phân tích sâu sắc, phương pháp cụ thể về cách sử dụng màu sắc, họa tiết của tranh Hàng Trống.
Có 95 họa tiết sáng tạo trên tổng số gần 500 họa tiết do S-River phát triển được trình bày trong sách. Có thể nói, cuốn sách đã mở ra hướng mới khi ứng dụng tranh Hàng Trống trong thiết kế, nhất là với nhóm nhãn hiệu bao bì. Đây là một kho nguyên liệu dồi dào cho các bạn trẻ muốn tạo ra thiết kế đậm dấu ấn Việt Nam.
Sản phẩm của nhóm phải kể đến thiết kế bao bì bộ quà tặng “Bội thu” lấy cảm hứng từ bức “Canh nông vi bản” của tranh Hàng Trống. Thiết kế hiển hiện những họa tiết, màu sắc tươi vui của một vụ mùa rộn ràng như lời chúc an khang, sung túc và may mắn đến khách hàng.
Một thiết kế khác lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống là nhãn rượu Sông Cái (dòng Dry Gin). Nổi bật trong thiết kế này là hình ảnh đôi bàn tay được cách điệu từ tay Mẫu thượng ngàn - bà chúa của núi rừng trong tranh Hàng Trống.
Tín ngưỡng thờ mẫu đã tồn tại và phổ biến từ lâu đời trong văn hóa dân gian người Việt. Sự kết hợp của mây trời, hoa, đôi bàn tay thể hiện 3 yếu tố trời, đất, con người gợi nhớ đến niềm tin của ông cha từ thời xưa: Muốn thành công cần phải hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa.” Nhãn sau lại phản ánh bản sắc độc đáo của miền đồng bằng trù phú, kết hợp với nhãn trước mang tông màu chàm đặc trưng của vùng đại ngàn.
Còn với nhãn dòng sản phẩm Rose Myrtle Gin lại lấy hình ảnh con voi làm chủ đạo nhằm tôn vinh vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ. Đây là vùng có những thác nước lớn, vùng vúi hoang sơ, quả sim dại mọc bạt ngàn trên đất đỏ bazan.
Nhãn hàng này phản ánh dòng chảy văn hóa Tây Nguyên với hình ảnh con voi hiện thân cho sức mạnh các tù trưởng, người lính trong đấu tranh bảo vệ đất nước. Hình ảnh cây sim toát lên sự mạnh mẽ, vững vàng trong nắng gió đại ngàn...
Chị Trịnh Thu Trang là giảng viên ngành thiết kế đồ họa, Đại học Kiến trúc Hà Nội. Chị đã dành tâm huyết nhiều năm để sưu tập tranh Hàng Trống, phong cách của nghệ nhân truyền thống, từ đó hình thành kho dữ liệu. Êkíp của S-River cũng làm việc trực tiếp với nghệ nhân Lê Đình Nghiên và nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê để nắm bắt giá trị, ảnh hưởng của tranh Hàng Trống trong đời sống người Việt. Nhóm đã chắt lọc tinh hoa giá trị truyền thống, có tiềm năng ứng dụng vào thiết kế đồ họa, thời trang, nội thất...
Nhà thiết kế Trịnh Thu Trang chia sẻ trong hành trình tìm kiếm chất liệu thiết kế ứng dụng mang đậm bản sắc Việt, chị và êkíp luôn ngạc nhiên trước gia tài văn hóa cha ông để lại. Đó chính là chất liệu quý giá cho thiết kế sản phẩm ứng dụng nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm Việt và lan tỏa văn hóa một cách mới mẻ và cuốn hút.
Cuộc sống đã thay đổi nhiều, rất ít người còn dùng tranh Hàng Trống để trang trí. Nhưng họa tiết của dòng tranh nầy được đưa lên bao bì, khăn lụa thì linh hồn của dòng tranh sẽ hiện diện ở khắp nơi...
Kết nối giá trị truyền thống với hiện đại
Những ngày này, nhóm TiredCity cùng Vietnam Local Artist Group đang tất bật với cuộc thi thử thách minh họa mùa thứ 13 (Illustration Challenge #13) với chủ đề “Vẽ con rồng” - linh vật năm mới Giáp Thìn 2024. Đây là sự kiện gây quỹ từ thiện giúp đỡ trẻ em đường phố, trẻ khuyết tật và nạn nhân của nạn buôn bán người trên khắp đất nước. 13 tác phẩm xuất sắc nhất sẽ được chọn lọc để thiết kế lịch năm mới - sản phẩm gây quỹ chính của dự án.
Không giới hạn phong cách, câu chuyện, tạo hình và cả số lượng tranh tham gia, “Vẽ con rồng” mong có được những bức “họa rồng” thật mới lạ, nổi bật từ đông đảo cộng đồng họa sĩ Việt. Tổng giá trị giải thưởng lên tới hơn 120 triệu đồng.
Giám khảo là 2 họa sỹ Phạm Quang Phúc và Đạt Phan, trong đó, anh Phạm Quang Phúc là họa sỹ minh họa bìa sách chuyên nghiệp, chuyên minh họa cho sách thiếu nhi, đã gặt hái nhiều giải thưởng quốc tế...
Không chỉ giới hạn ở một cuộc thi, nhóm TiredCity đã cộng tác với hơn 200 nghệ sỹ, tạo ra hơn 100.000 sản phẩm. Một cộng đồng sáng tạo Vietnam Local Artist Group (VLAG) với gần 100.000 thành viên trong mảng minh họa và thiết kế tham gia.
Đáng quý hơn, nhiều bộ sưu tập áo, túi vải của nhóm này đã khai thác giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc với góc nhìn ngộ nghĩnh, đáng yêu, thu hút nhiều bạn trẻ đặt mua.
Trong đó phải kể đến bộ sưu tập “Âm sắc truyền thống” của nghệ sỹ Chung Phạm với phong cách vẽ chibi kết hợp cùng ngôn ngữ tối giản của đồ họa. Bộ sưu tập này khai thác 6 loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng gồm chèo, tuồng, múa rối, quan họ, chầu văn và ca trù.
Dưới con mắt sáng tạo của người nghệ sỹ, nghệ thuật truyền thống không chỉ dừng lại ở nét đẹp đặc sắc mà còn là ký ức đẹp đẽ ẩn sâu trong tâm thức mỗi người.
Còn bộ sưu tập "Làng nghề truyền thống" với ba tác phẩm "Làng đèn ông sao Báo Đáp", "Làng ươm tơ Cổ Chất", "Làng nón lá Nghĩa Châu" là lời tri ân và cảm ơn của họa sỹ Artobu đến với những người thợ thủ công đang gìn giữ một phần linh hồn văn hóa Việt. Đây cũng chính là ba làng nghề truyền thống tại quê hương Nam Định của nghệ sỹ trẻ.
“Hoa niên liên khấu” là dự án Thương hiệu năm 2023 của S Radio thuộc Nhóm Truyền thông sinh viên S Communications. Những người thực hiện dự án mong muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật biểu diễn truyền thống và khẳng định đóng góp của người trẻ để duy trì, phát huy nét đẹp di sản. Năm nay, chương trình là talk series 3 tập phát sóng trên fanpage S Radio, mang đến cho người xem những góc nhìn thú vị và đa chiều.
Trong số đó, tập phát sóng đầu tiên “Cải lương thân mến thương” có sự tham gia của Tiến sỹ Đào Lê Na và nghệ sỹ cải lương Hạ Nắng. Tập này mang đến lăng kính hoàn toàn mới về những giá trị mà cải lương mang lại, góc nhìn về cuộc sống và công việc của những người đam mê cải lương nói riêng, nghệ thuật biểu diễn truyền thống nói chung. Từ đó, người trẻ thêm trân trọng, có thêm động lực để tiếp tục lan tỏa, kết nối những giá trị truyền thống-hiện đại gần nhau hơn.
Tập 2 là “Giao điểm, giao hòa” sẽ giúp người trẻ thêm hiểu về những trăn trở của thế hệ đi trước, nhìn thấy được những nỗ lực của họ trong việc truyền lửa cho thế hệ sau. Họ tiếp thêm động lực cho những người đã, đang, và sẽ tiếp nối hành trình gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống.
Ở tập cuối tựa đề “Niên hòa diễn ca” có góp mặt của nghệ sỹ Bạch Long, Nghệ sỹ Ưu tú Tú Sương, nghệ sỹ trẻ Hồng Bảo Ngọc. Các khách mời chia sẻ về nỗ lực, cố gắng của thế hệ đi trước để nghệ thuật biểu diễn truyền thống không thất truyền. Còn thế hệ trẻ hiệnvẫn đang cố gắng để những giá trị ấy được gìn giữ và phát triển bằng những nhiệt huyết của chính mình.
Cho đến nay, tổng lượt tiếp cận của toàn bộ dự án “Hoa niên liên khấu” đã lên đến gần 500.000 lượt tiếp cận, trong đó, 3 tập phát sóng chính đã thu hút được hơn 94.000 lượt tiếp cận...
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, văn hóa truyền thống có thể bảo vệ nguyên vẹn như trong bảo tàng, nhà hát truyền thống nhưng cũng có thể phát huy, sáng tạo, sử dụng chất liệu truyền thống để có sản phẩm mới phù hợp hơn với thực tại.
Giới trẻ yêu thích, muốn tìm hiểu thì các giá trị truyền thống mới có thể được bảo vệ, phát huy bền vững. Do đó, việc tuyên truyền, giới thiệu, làm sống lại hoặc làm di sản trở nên hấp dẫn hơn, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khán giả hôm nay, đặc biệt là khán giả trẻ, sẽ quyết định sức sống của các di sản./.