Giúp 'trùm buôn lậu' Kim Hạnh rửa tiền, hai cựu công an bị đề nghị 6-9 năm tù

Lực lượng chức năng còn xác định Nguyễn Thị Kim Hạnh (trùm Mười Tường) đã chỉ đạo đàn em chuyển vào tài khoản của 2 cựu công an Nguyễn Văn Võ, Nguyễn Văn Sang nhiều lần với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng.

Nguyễn Văn Võ (đứng) nói lời sau cùng. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Nguyễn Văn Võ (đứng) nói lời sau cùng. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Ngày 15/12, Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang tiếp tục đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, sinh năm 1969, ngụ huyện An Phú) cùng hai đồng phạm nguyên là cán bộ Công an tỉnh An Giang gồm Nguyễn Văn Võ (sinh năm 1968, ngụ huyện Châu Phú) và Nguyễn Văn Sang (sinh năm 1970, ngụ thị xã Tân Châu) trong vụ án "trốn thuế" và "rửa tiền."

Bị cáo Hạnh bị truy tố về tội "trốn thuế" và "rửa tiền"; hai bị cáo Võ và Sang cùng bị truy tố cùng tội "rửa tiền."

Tại tòa, Hạnh liên tục phủ nhận tội “rửa tiền," còn trốn thuế thì bị cáo thừa nhận có, nhưng không thừa nhận trốn thuế với số tiền hơn 755 tỷ đồng. Bị cáo Hạnh cho rằng hai bị cáo Võ và Sang không hề rửa tiền cho mình; số tiền mà Hạnh và người làm công của Hạnh chuyển vào tải khoản của bị cáo Võ là tiền trả nợ, vì trước đó bị cáo Hạnh có mượn tiền của bị cáo Võ để làm ăn.

Trong phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng, quá trình điều tra đã xác định, với danh nghĩa Công ty Hạnh Phát và hộ kinh doanh Hạnh Phát, Hạnh đã bán đường cho 20 khách hàng với tổng số tiền hơn 3.000 tỷ đồng.

Để nhận tiền bán đường từ khách hàng, Hạnh bảo những người làm công đứng tên mở các tài khoản ngân hàng và yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào các tài khoản nêu trên mà không chuyển vào tài khoản ngân hàng đã đăng ký với cơ quan thuế.

Các tài khoản ngân hàng này đều đăng ký số điện thoại của Hạnh, nhận tin nhắn biến động tài khoản khi khách hàng chuyển tiền đường để Hạnh quản lý. Đồng thời, khi mua bán đường, Hạnh không lập hồ sơ kế toán, không xuất hóa đơn bán hàng và kê khai thuế không đúng doanh thu bán ra.

Đối với Công ty Hạnh Phát, doanh thu đã khai báo thuế là gần 105 tỷ đồng, so với doanh thu thực tế là gần 2.895 tỷ đồng, chênh lệch giảm không khai báo là hơn 2.790 tỷ đồng. Đối với hộ kinh doanh Hạnh Phát, doanh thu bán đường phèn, mật đường phèn là hơn 190 tỷ đồng nhưng chỉ khai báo thuế hơn 15,5 tỷ đồng. Căn cứ kết quả giám định về thuế, xác định số tiền gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước là hơn 755 tỷ đồng.

ttxvn-bi-cao-8778.jpg
Các bị cáo tại phiên toà sơ thẩm ngày 15/12. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Quá trình điều tra vụ án, lực lượng chức năng còn xác định Nguyễn Thị Kim Hạnh đã chỉ đạo Trần Nguyễn Bảo Thúy, Nguyễn Tường Cẩm Tú rút tiền bán đường cát không xuất hóa đơn để trốn thuế có trong các tài khoản của Huỳnh Bá Kiệm, Phạm Thanh Sang, Nguyễn Tường Cẩm Tú, Phạm Khắc Tường, Nguyễn Thị Kim Xuyến để chuyển vào tài khoản của Nguyễn Văn Võ, Nguyễn Văn Sang nhiều lần với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng.

Trong số đó, Võ nhận 10 lần với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng, Sang nhận 11 lần hơn 1,3 tỷ đồng với danh nghĩa đầu tư nuôi cá, gửi tiết kiệm, làm từ thiện nhằm che giấu nguồn gốc số tiền buôn lậu đường và trốn thuế. Thúy, Tú, Kiệm, Sang, Thường, Xuyến đều là những người làm công cho Hạnh.

Từ những cơ sở trên, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên phạt bị cáo Hạnh mức án từ 5-7 năm tù về tội "trốn thuế," hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 80-100 triệu đồng; 11-12 năm tù về tội “rửa tiền," hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 80-100 triệu đồng.

Tổng hợp hình phạt, bị cáo Hạnh bị Viện Kiểm sát Nhân dân đề nghị ở cả 2 tội danh “trốn thuế” và “rửa tiền” là 16-19 năm tù, hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 100-200 triệu đồng.

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên phạt bị cáo Võ từ 8-9 năm tù, hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 80-100 triệu đồng; bị cáo Sang bị đề nghị mức án từ 6-7 năm tù, hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 80-100 triệu đồng, cùng về tội “rửa tiền."

Trong phần tranh luận, các luật sư bào chữa cho bị cáo Hạnh cho rằng còn nhiều chi tiết chưa rõ ràng, nhất là việc xác định số tiền bị cáo trốn thuế chưa chính xác, cần phải giám định lại...

Phản bác lại những ý kiến phía luật sư, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng, việc xác định số tiền trốn thuế hơn 755 tỷ đồng là dựa trên hồ sơ, chứng cứ có trong vụ án cũng như kết quả giám định của Cục Thuế tỉnh An Giang, nên đủ cơ sở khẳng định các bị cáo phạm tội…

Nói lời sau cùng trước khi Hội đồng Xét xử bước vào nghị án, các bị cáo Sang, Võ đều tỏ rõ sự ăn năn hối lỗi và mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm về chăm lo cho gia đình.

Riêng bị cáo Hạnh vẫn một mực cho rằng mình không phạm tội “rửa tiền," còn tội “trốn thuế” thì có, nhưng số tiền trốn thuế không lớn đến hơn 755 tỷ đồng như Viện Kiểm sát truy tố, mong Hội đồng Xét xử xem xét.

Sau khi nghị án, Hội đồng Xét xử quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào chiều 18/12/2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục