Gói thầu Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất thi công trong 20 tháng

Gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị Nhà ga hành khách T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dự kiến được thi công trong 20 tháng, hoàn thành đưa vào chạy thử đầu quý 2/2025 với vốn 10.990 tỷ đồng.
Gói thầu Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất thi công trong 20 tháng ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo một số bộ ngành, địa phương thực hiện nghi thức khởi công gói thầu xây lắp Nhà ga T3. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Chiều 31/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã khởi công thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách T3-Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và thực hiện nghi thức khởi công gói thầu.

Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, sau thời gian triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, đến nay công tác thi công móng cọc, sàn đáy tầng hầm công trình đã hoàn thành, đủ điều kiện để khởi công hạng mục quan trọng nhất của dự án Nhà ga T3, đó là gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị Nhà ga hành khách T3-Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Gói thầu này dự kiến sẽ được thi công trong 20 tháng (600 ngày), hoàn thành đưa vào chạy thử vào đầu quý 2/2025.

Dự án "Xây dựng Nhà ga hành khách T3-Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất" gồm 3 hạng mục chính: nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga. Tổng mức đầu tư dự án là 10.990 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu của ACV (chiếm 70%) và vốn vay thương mại (chiếm 30%).

Hạng mục nhà ga hành khách có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng 112.500m2, được lấy cảm hứng từ tà áo dài truyền thống, kiến trúc nhà ga được thiết kế mềm mại, trẻ trung như sức sống của một thành phố năng động đang vươn mình phát triển.

[Khởi công 3 gói thầu chính xây dựng sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất]

Nhà ga có hình tuyến tính tương đồng với nhà ga hiện hữu, được thiết kế thành 2 cao trình đi và đến riêng biệt, có 90 quầy thủ tục truyền thống, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động và 42 kiosk check-in, 27 cửa ra tàu bay (13 cửa bằng ống lồng), 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách. Đặc biệt, Nhà ga T3 được thiết kế 8 cửa kiểm soát an ninh và 1 khu riêng biệt phục vụ khách VIP, hạng thương gia và khách ưu tiên.

Hạng mục nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không là tổ hợp gồm 2 tầng hầm, 2 tầng hầm chung, 2 khối phức hợp thương mại văn phòng 4 tầng nổi và khối nhà để xe máy 3 tầng nổi được kết nối với nhau bằng hành lang cầu, tổng diện tích sàn xây dựng là 130.000m2. Trong khi đó, hệ thống đường tầng trên cao ở hai cao trình nhà ga gồm: tầng 2 có quy mô từ 2-3 làn xe, chiều rộng mỗi làn 3,5m; tầng 3 có quy mô từ 2-5 làn xe, chiều rộng mỗi làn 3,5m.

Sau khi hoàn thành, Nhà ga hành khách T3 sẽ là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm, khai thác được tất cả các loại tầu bay Code C và Code E, giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất đang khai thác với một nhà ga quốc tế và một nhà ga quốc nội. Trong đó, Nhà ga quốc nội sau nhiều lần cải tạo, mở rộng có công suất thiết kế là 15 triệu hành khách/năm; tuy nhiên sản lượng hành khách quốc nội hiện nay đang khai thác là hơn 26 triệu khách/năm, quá tải hơn 1,7 lần công suất thiết kế.

Tình trạng ùn tắc trong nhà ga và hệ thống đường giao thông kết nối thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế xã hội, du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Với tốc độ phát triển bình quân 14,5%/năm trong những năm qua, dự kiến Nhà ga quốc nội sẽ quá tải gấp hơn 2 lần vào năm 2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục