Hà Nội chặt hạ, di chuyển gần 1.200 cây xanh đường Phạm Văn Đồng

Hà Nội sẽ tiến hành chặt hạ, di chuyển 1.159 cây xanh trên trên tuyến đường vành đai 3 đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long phải đánh chuyển, chặt hạ nhằm thi công dự án đường vành đai 3.
Hà Nội chặt hạ, di chuyển gần 1.200 cây xanh đường Phạm Văn Đồng ảnh 1Hà Nội sẽ tiến hành chặt hạ, di chuyển 1.159 cây xanh trên trên tuyến đường Phạm Văn Đồng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, theo số liệu điều tra, khảo sát có 1.159 cây xanh trên trên tuyến đường vành đai 3 đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long phải đánh chuyển, chặt hạ nhằm thi công dự án đường vành đai 3.

Vào ngày mai (18/10), đơn vị sẽ bắt đầu di chuyển đợt 1, gồm 14/1.159 cây xanh nằm trong phạm vi dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long.

[Bí thư Hà Nội: Việc bảo vệ cây xanh chưa được quan tâm đầy đủ]

Đơn vị thực hiện đánh chuyển, chặt hạ là Công ty cổ phần Beepro (đơn vị có năng lực với nhiều năm kinh nghiệm và đã thực hiện thành công dự án thí điểm di chuyển cây xà cừ trên đường Kim Mã – Voi Phục).

Ban Quản lý dự án đã phối hợp với đơn vị Beepro lập kế hoạch triển khai đánh chuyển, chặt hạ đợt 1 và sẽ tiếp tục tiến hành đánh chuyển, chặt hạ các đợt tiếp theo nhằm đảm bảo đến tháng 12/2017 sẽ thực hiện xong việc đánh chuyển, chặt hạ toàn bộ cây xanh trên tuyến Phạm Văn Đồng để phục vụ tiến độ thi công của dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch– cầu Thăng Long cũng như có mặt bằng để bàn giao cho Bộ Giao thông Vận tải triển khai dự án đường trên cao.

“Các cây xanh đánh chuyển sẽ được đưa về nút giao Tả Hồng –Võ Nguyên Giáp và nút giao Quốc lộ 5–Vành đai 3 để trồng và chăm sóc sau đánh chuyển,” Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội thông tin thêm.

Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án này, do cây xanh trên vỉa hè (hiện tại) đường Phạm Văn Đồng trồng rất dày, bên dưới vướng nhiều công trình ngầm nổi và nằm sát mép đường cũ nên sẽ khó khăn trong công tác đào bầu để đánh chuyển và khả năng khó giữ được bộ rễ khi đánh chuyển nên trong quá trình triển khai thực hiện cần phải khảo sát, đánh giá để quyết định lựa chọn phương án đánh chuyển hay chặt hạ để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

Hiện tại, Sở Xây dựng đã thành lập Tổ công tác hiện trường bao gồm đâỳ đủ các đơn vị có liên quan để giám sát, kiểm tra và xem xét, quyết định cụ thể phương án tại hiện trường.

Dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch– cầu Thăng Long có tổng chiều dài 5,5Km; điểm đầu tại Km0+000 (Ngã tư Mai Dịch), điểm cuối: Km5+500 (cầu Thăng Long). Chiều rộng nền đường từ 56 - 93m; với các hạng mục nền, mặt đường, hào kỹ thuật, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh; vỉa hè; tổ chức giao thông; cầu đi bộ và các công trình phụ trợ khác.

Dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long là một trong số những công trình giao thông trọng điểm của thành phố được ưu tiên đầu tư để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông của thành phố Hà Nội và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về việc giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) khi thực hiện đầu tư xây dựng tại Văn bản 573/TTg-KTN ngày 05/4/2016.

Dự án đầu tư cầu cạn cao tốc đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư được xây dựng tại vị trí tim đường quy hoạch. Cầu cạn trên cao mặt cắt rộng từ 24 - 27 - 38m; toàn tuyến có 6 nhánh lên xuống, bề rộng mỗi nhánh 7m.

Dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long là một trong số những công trình giao thông trọng điểm của thành phố được ưu tiên đầu tư để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông của thành phố Hà Nội và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về việc giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) khi thực hiện đầu tư xây dựng.

Việc sớm hoàn thành xây dựng tuyến đường vành đai 3 (đoạn từ Mai Dịch - cầu Thăng Long) đưa vào khai thác sử dụng sẽ góp phần quan trọng nhằm giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay trên tuyến đường và đem lại hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội rất cao, đặc biệt là tạo điều kiện về mặt bằng để Bộ Giao thông Vận tải triển khai xây dựng tuyến cầu cạn cao tốc trên cao từ Mai Dịch đến Cầu Thăng Long bằng vốn vay ODA của Nhật Bản (dự kiến khởi công tháng 11/2017).

Tuy nhiên, hiện nay tiến độ thi công hiện nay bị chậm do chưa hoàn thành xong công tác giải phóng mặt bằng cũng như di chuyển các công trình ngầm nổi, trong đó có cây xanh hiện hữu nằm trên vỉa hè dọc hai bên mặt đường cũ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục