Hà Nội đã báo cáo Thanh tra Chính phủ về kế hoạch thay cây

Trong quý 1, ngành thanh tra triển khai trên 34.460 cuộc thanh tra hành chính và chuyên ngành, phát hiện vi phạm kinh tế trên 3.503 tỷ đồng.
Thay cây trên phố Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 15/4, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả thanh tra quý 1/2015. Các Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng và Ngô Văn Khánh chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, quý 2/2015, công tác thanh tra sẽ tập trung vào việc ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc; chú trọng thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm và khi được giao; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Ngành thanh tra cũng đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư; nâng cao chất lượng quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan chỉ đạo hoàn thành việc kê khai và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kê khai tài sản, thu nhập năm 2014; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin và phát hiện, xử lý tham nhũng...

Quý 1, toàn ngành đã triển khai 1.480 cuộc thanh tra hành chính và 32.897 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế trên 3.503 tỷ đồng, gần 58ha đất.

Ngành đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 1.990 tỷ đồng và gần 55ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 1.513,2 tỷ đồng, 2,8 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính 138,3 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 130 tập thể, 186 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 20 vụ việc, 31 đối tượng.

Trong đó, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận 10 cuộc thanh tra, 2 kết luận kiểm tra; xây dựng báo cáo và hoàn thiện 11 kết luận thanh tra, 1 kết luận kiểm tra; tiếp tục tiến hành 13 cuộc thanh tra.

Qua kết luận 10 cuộc thanh tra, đã phát hiện sai phạm về kinh tế số tiền 683,5 tỷ đồng, 18 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 252 tỷ đồng, 18 ha đất; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền 431,5 tỷ đồng; kiến nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có vi phạm; chuyển cơ quan điều tra 6 vụ, 7 tổ chức, cá nhân.

Toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 673 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, thu hồi và xử lý khác 372,2 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 41%).

Về phòng, chống tham nhũng, ngành Thanh tra đã phát hiện 7 vụ, 9 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng với số tiền 27,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 9,3 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 9 cá nhân, kiến nghị xử lý hình sự 6 vụ, 7 đối tượng.

Cũng trong quý 1, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 79.425 lượt công dân với 37.738 vụ việc; xử lý 32.963 đơn đủ điều kiện/55.422 đơn đã tiếp nhận; giải quyết 6.299 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao, đạt tỷ lệ trên 55%.

Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN về việc mới đây, một số tờ báo trích dẫn thông báo kết luận thanh tra đối với một số trường đại học. Trong đó, Thanh tra Chính phủ đã cho rằng Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh chưa làm đúng các quy định về đào tạo thạc sỹ, cụ thể như chưa bảo đảm điều kiện ngoại ngữ, điều kiện kinh nghiệm công tác và không làm luận văn tốt nghiệp.

Tuy nhiên, trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã phản ánh rằng kết luận thanh tra như vậy là chưa đúng, gây hiểu lầm trong dư luận về đào tạo sau đại học của nhà trường.

Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cho biết thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2014 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thanh tra Chính phủ đã thành lập đoàn thanh tra trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và 5 trường đại học (Đại học Huế, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Vinh, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) trong việc tổ chức và thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Thanh tra Chính phủ đã có kết luận gửi Thủ tướng Chính phủ.

Kết luận thanh tra đã được công khai tại Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng thời trong ngày 15/4, kết luận thanh tra sẽ được công khai tại 5 đơn vị sự nghiệp trực thuộc trên.

Phó Tổng Thanh tra nêu rõ: Liên quan đến việc đào tạo thạc sỹ tại Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cần nhấn mạnh rằng đây là liên kết đào tạo thạc sỹ chứ không phải đào tạo trong nước, vì vậy có thông tin gộp chung cả đào tạo thạc sỹ trong nước và cả liên kết đào tạo là không chính xác. Thông tin Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh sai phạm trong đào tạo thạc sỹ cũng chưa chính xác.

Về đào tạo thạc sỹ trong nước, quy định của Việt Nam yêu cầu phải có luận văn tốt nghiệp. Nhưng ở nước ngoài lại chia làm hai loại. Loại thứ nhất là thạc sỹ nghiên cứu, bắt buộc phải có luận văn tốt nghiệp. Nhưng loại thứ hai là thạc sỹ nghề (hay thạc sỹ thực hành) không bắt buộc phải làm luận văn mà chỉ cần làm báo cáo tốt nghiệp. Đây là điểm chưa tương thích giữa Việt Nam và một số nước khác.

Tại Đại học Quốc gia và một số trường Đại học liên kết đào tạo được thanh tra trong thời gian qua đều có việc này. Để xử lý sự chưa tương thích giữa pháp luật Việt Nam và luật pháp của nước tham gia liên kết đào tạo, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét việc công nhận hay không công nhận vấn đề này để bảo đảm quyền lợi của người học và kỷ cương pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện việc này.

Giải đáp về việc Thanh tra Chính phủ có thành lập đoàn thanh tra việc cải tạo, thay thế cây xanh ở Hà Nội hay không, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng khẳng định ngày 13/4, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã có báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ về dự án cải tạo, thay thế cây xanh.

Hiện Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đang chỉ đạo đoàn thanh tra làm rõ nội dung này. Đây là dự án cải tạo, thay thế cây xanh trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã được các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật. Nội hàm là thay thế những cây bị sâu mọt, cong vênh, dễ có khả năng bị đổ gãy trong thời tiết mưa bão, làm phương hại đến môi trường... Vấn đề là tổ chức thực hiện đã đúng chưa, cần có một cơ quan đánh giá.

Hà Nội đang chỉ đạo rất quyết liệt, thành lập đoàn thanh tra liên ngành về vấn đề này. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã yêu cầu đoàn thanh tra phải làm chính xác, khách quan, khẩn trương, đúng pháp luật để trả lời cho công luận bởi đây là vấn đề nhân dân quan tâm.

Thanh tra Chính phủ đã cử một đơn vị theo sát vụ việc này để bảo đảm đánh giá, kết luận được bảo đảm khách quan, chính xác. Những gì đúng cần ủng hộ, những điều gì sai cần lên án, xử lý theo quy định của pháp luật - Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng nhấn mạnh.

Cũng tại họp báo, Thanh tra Chính phủ đã giải đáp các câu hỏi liên quan đến việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu có hành vi tham nhũng; kiến nghị sửa đổi về thu hồi tài sản tham nhũng trong Bộ luật Hình sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục