Hà Nội đề nghị Quốc hội có chính sách đặc thù cho huyện ngoại thành

Cử tri và nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Quốc hội có chính sách đặc thù về phát triển kinh tế, xã hội cho các huyện ngoại thành, nhất là các huyện thuần nông.
Hà Nội đề nghị Quốc hội có chính sách đặc thù cho huyện ngoại thành ảnh 1Ông Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chiều 19/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội với Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội, trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Cuộc làm việc giúp đại biểu Quốc hội có thông tin trung thực, khách quan về tình hình kinh tế-xã hội, an ninh trật tự của thành phố; đồng thời lắng nghe các đề xuất của Ủy ban Nhân dân thành phố, các cơ quan tư pháp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua đó thống nhất các vấn đề quan tâm của Thủ đô để gửi tới Quốc hội xem xét, thảo luận, thông qua các dự án luật, các nghị quyết và đề án lớn tại Kỳ họp, trong đó có những nội dung có liên quan đến Hà Nội để tạo cơ chế cho sự phát triển nhanh, bền vững của thành phố.

Hội nghị thống nhất khẳng định thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội, với sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt của Chính phủ, lãnh đạo thành phố Hà Nội và sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân Thủ đô.

Bên cạnh đó, Hà Nội vẫn nỗ lực duy trì mức tăng trưởng quý 1/2020 tương đương với mức tăng trưởng chung của cả nước, đồng thời đặt ra mục tiêu tăng trưởng cả năm 2020 cao gấp 1,3 lần của cả nước.

Đặc biệt, Hà Nội cũng là địa phương điển hình trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Chỉ trong thời gian ngắn, thành phố đã hoàn thành việc chi trả hỗ trợ bằng tiền (đợt 1) cho 4 đối tượng người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đảm bảo công khai, minh bạch và kịp thời.

Mới đây, Hội đồng Nhân dân thành phố cũng quyết nghị thông qua chính sách hỗ trợ đặc thù riêng của Hà Nội cho các đối tượng khác, trong đó có cả đối tượng ngoài danh mục thụ hưởng theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, các đại biểu cũng thống nhất những kết quả quan trọng trong bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội… trong những tháng qua, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm ổn định xã hội và đời sống nhân dân trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng tới toàn thành phố và cả nước.

[Bí thư Hà Nội chỉ đạo tiếp tục xử lý cán bộ vi phạm trước đại hội đảng]

Từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ trên địa bàn, đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố liên quan đến các dự án Luật, Nghị quyết sẽ được Quốc hội thảo luận, xem xét tại kỳ họp thứ 9 như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý và vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Cơ chế tài chính đặc thù cho Thủ đô Hà Nội...

Thông tin với đoàn về những kiến nghị của cử tri với Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết qua tổng hợp ý kiến, kiến nghị, cử tri và nhân dân Hà Nội đề nghị Quốc hội lựa chọn các đại biểu có tâm, có tầm tham gia Quốc hội khóa XV, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.

Quốc hội tăng số lượng đại biểu chuyên trách, nâng cao chất lượng thẩm tra đẩy mạnh chất vấn và giám sát việc thực hiện sau chất vấn đối với các lãnh đạo bộ, ngành, Chính phủ.

Hà Nội đề nghị Quốc hội có chính sách đặc thù cho huyện ngoại thành ảnh 2Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Về cơ chế chính sách, cử tri đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại nội dung Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 7/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ và hệ thống đê điều sông Đáy, để một số công trình dân sinh được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu học tập và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Thành phố đề nghị Quốc hội có chính sách đặc thù về phát triển kinh tế, xã hội cho các huyện ngoại thành, nhất là các huyện thuần nông. Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách để hỗ trợ nông dân, hạn chế tình trạng rất nhiều người dân bỏ ruộng không sản xuất.

Cử tri và nhân dân thành phố đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến," tự chuyển hóa trong nội bộ; đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành kiên quyết xử lý trách nhiệm về đảng, chính quyền đối với vi phạm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đảng viên, cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị để giữ nghiêm kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân cũng thông tin với đoàn về kết quả và kiến nghị của ngành đối với Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Thay mặt các vị đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng Hà Nội có nhiều cơ hội đạt được thành công trên cả 2 mặt trận chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Quốc hội giao cho Chính phủ.

Đặc biệt, Đoàn đại biểu Quốc hội thống nhất đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố chuẩn bị tốt công tác xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn đầu tư nước ngoài chất lượng cao trong những tháng tới; báo cáo các đại biểu Quốc hội các vấn đề quan tâm của thành phố,… nhằm tận dụng trí tuệ, sự ủng hộ của các ngành, các giới đối với sự phát triển của Hà Nội, nhằm mục tiêu “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục