Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản số 5371/UBND-KT hướng dẫn thu, nộp quản lý phí đường bộ đối với xe máy trên địa bàn thủ đô. Theo đó, thành phố yêu cầu Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phát, kê khai, thu “Tờ khai nộp phí của chủ phương tiện”. Lãnh đạo cấp xã có nhiệm vụ chỉ đạo tổ dân phố (hoặc thôn, xóm) phát tờ khai và hướng dẫn người nộp phí kê khai theo đúng mẫu. Trường hợp người nộp phí đã có mã số thuế thì ghi mã số thuế, cón chưa có mã số thuế thì ghi số chứng minh nhân dân. Bên cạnh đó, văn bản của Ủy ban Nhân dân thành phố cũng quy định, tờ khai nộp phí chỉ áp dụng đối với chủ phương tiện thực hiện khai lần đầu và khai bổ sung khi có phát sinh tăng, giảm phương tiện. Tổ dân phố sẽ thu tờ khai, đối chiếu với đăng ký xe hoặc biển số xe để kiểm tra việc thực hiện kê khai của người nộp phí và chuyển tờ khai về Ủy ban Nhân dân cấp xã. Ngoài ra, thành phố cũng chỉ đạo các cấp chính quyền trên địa bàn phải thực hiện sổ quản lý và sử dụng phí đường bộ đối với xe máy. Theo đó, Uỷ ban Nhân dân cấp xã thực hiện lập sổ quản lý phí sử dụng đường bộ đối với xe máy trên địa bàn, làm cơ sở quản lý thu, nộp phí trong năm 2013 và các năm tiếp theo. Tiền phí sử dụng đường bộ đối với xe máy thu được sẽ để lại một phần sử dụng, theo quy định của Bộ Tài chính. [Thu thuế đường xe máy: Càng nhìn lại càng thấy rối] Cụ thể, mức chi cho cá nhân trực tiếp thu phí, không quá tối đa 70% số tiền phí được để lại. Chi phí cho phục vụ trực tiếp việc thu phí (văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, điện, nước…) tối đa không quá 20% tổng số tiền để lại; chi phí khác tối đa không quá 10% số tiền phí được để lại. Song song với các quy định trên, Ủy ban Nhân dân thành phố cũng ban hành mẫu tờ khai của người nộp phí, cơ quan thu phí và mẫu sổ quản lý phí sử dụng đường bộ phương tiện xe máy kèm theo văn bản này. Theo quyết định trước đó của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, từ ngày 21/7, chủ xe máy chính thức phải đóng phí sử dụng đường bộ. Mức phí đối với loại xe có dung tích xi lanh đến 100cm3 là 50.000 đồng/năm; xe có dung tích xe lanh trên 100cm3 đóng phí 100.000 đồng/năm. Về thời gian nộp phí cụ thể như sau, đối với xe máy phát sinh trước ngày 1/1/2013 thì đến tháng 8/2013 phải khai, nộp phí cả năm 2013, mức thu phí 12 tháng. Xe mô tô phát sinh từ ngày 1/1/2013 trở đi, việc khai chậm nhất là 30/8, nộp phí thực hiện từ thời điểm phát sinh bắt đầu từ ngày 1/1 đến 30/6/2013, nộp phí bằng nửa năm thu. Xe máy có thời điểm phát sinh từ ngày 1/1 đến 30/6 hằng năm, chủ phương tiện khai, nộp phí đối với xe mô tô, mức thu bằng nửa năm thu (thời điểm khai, nộp chậm nhất là ngày 31/7). Thời điểm phát sinh từ 1/7 đến 31/12 hằng năm, chủ phương tiện khai nộp phí vào tháng 1 năm sau và không phải nộp phí đối với thời gian còn lại của năm phát sinh./.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 4 triệu xe máy. Sau khi thu phí bảo trì đường bộ, nguồn phí thu được quản lý sử dụng như sau: Đối với các phường, thị trấn được giữ lại 10% số phí sử dụng đường bộ thu được; đối với các xã được để lại 20% số phí sử dụng đường bộ thu được. Số tiền còn lại cơ quan thu phí phải nộp vào tài khoản của Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương mở tại Kho bạc Nhà nước. |
Việt Hùng (Vietnam+)