Hà Nội: Những chiếc 'cầu thang văn hoá' đặc biệt tại phường Nghĩa Tân

Không phải nhà văn hóa cũng không phải thư viện, thế nhưng trong khuôn viên chừng 20 mét vuông tại khu tập thể phường Nghĩa Tân vẫn có hàng trăm đầu sách và báo chí đủ loại được cập nhật mỗi ngày.

Đến khu tập thể A3 (tổ 27, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội), nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi như đang bước vào một “thư viện” thu nhỏ với đủ các loại sách, báo được bày biện ngay ngắn.

Trong hai chiếc tủ kính kê sát nhau là tập hợp hàng trăm đầu sách các loại, từ sách truyện dành cho thiếu nhi, sách phổ biến kiến thức điều trị bệnh cho đến những cuốn hồi ký, tiểu thuyết lịch sử hay tác phẩm văn học kinh điển. Đây là nơi khởi xướng và hình thành mô hình “cầu thang văn hóa” đã có từ lâu.

Mô hình cầu thang văn hóa này được hình thành từ ý tưởng của các cựu chiến binh và cán bộ đã về hưu sinh sống ở đây. Ban đầu nhiều người không đồng tình vì sợ không ai quản lý, thiếu kinh phí duy trì hoạt động, nhưng nhờ sự kiên trì đến từng nhà vận động của các cụ, mọi người đã nhìn nhận khác đi. Thay vì phản đối, mỗi người lại đóng góp một ít sách, báo nên cùng với thời gian đã hình thành được một góc “thư viện gắn kết” như ngày hôm nay.

Khu vực khuôn viên cầu thang luôn sạch sẽ, sách báo trong tủ, trên bàn ngay ngắn, gọn gàng chính là nhờ tinh thần tự giác của người dân. Bên cạnh đó, mọi việc đi lại trên cầu thang phải nhẹ nhàng, không tận dụng cầu thang để kinh doanh, làm nơi tập kết vật liệu, để xe máy hay sử dụng cho mục đích cá nhân… Nhờ đó nên cầu thang lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng, không có tình trạng bị trộm vặt, dán, vẽ hay quảng cáo bôi bẩn lên tường.

Không chỉ là nơi để các thành viên của khu tập thể đến tiếp cận thông tin sách, báo, bảng tin hằng ngày, đây còn là điểm giao lưu, giúp những người mới đến và những người cũ hiểu nhau hơn. Bên cạnh đó, nơi đây còn là điểm dừng chân thường xuyên của thanh niên, trẻ em sau giờ tan học. Những cuộc trò chuyện, hỏi han giữa một không gian ấm áp như rút ngắn khoảng cách giữa các thế hệ hơn.

Qua hơn 20 năm hoạt động, chiếc cầu thang “đặc biệt” tại khu tập thể A3 đã trở thành điểm lui tới quen thuộc, một phần không thể thiếu trong tâm thức của bà con quanh khu vực này. Chính từ thành công ban đầu của mô hình “cầu thang văn hóa” của khu A3, đến nay đã có thêm nhiều mô hình cầu thang như vậy được nhân rộng thêm tại các nhà A5, A2… tạo nên nếp sống văn minh, thanh lịch trong khu tập thể bắc Nghĩa Tân.

[Những bữa cơm ấm tình người tới bệnh nhân nghèo Bệnh viện Nhi TW]

“Cầu thang văn hóa,” mô hình nhỏ nhưng ý nghĩa lớn đã góp phần xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa của người dân không chỉ riêng phường Nghĩa Tân mà còn với những người đang mong muốn có một góc sinh hoạt chung ấm cúng giữa những căn hộ tập thể.

Từ thành công này, cần nhân rộng thêm nữa những mô hình cầu thang khác, nhất là khi số lượng chung cư cao tầng xuất hiện ngày càng dày đặc, khi mà người người, nhà nhà đều hối hả, bận rộn với cuộc sống mưu sinh thì những câu chuyện nhỏ, tốt đẹp đang diễn ra hằng ngày ở những góc cầu thang văn hóa sẽ góp phần gắn kết cộng đồng hơn./.

(Vietnam+)