Hai phe đối địch Libya cam kết ngừng bắn và sớm tổ chức bầu cử

Lãnh đạo của 2 phe đối địch chính trong cuộc khủng hoảng tại Libya nhất trí cam kết ngừng bắn và nỗ lực tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội trong thời gian sớm nhất.
Hai phe đối địch Libya cam kết ngừng bắn và sớm tổ chức bầu cử ảnh 1Người đứng đầu Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) được quốc tế ủng hộ, ông Fayez Serraj, và chỉ huy quân đội quyền lực nhất của phe đối lập ở nước này, Tướng Khalifa Haftar. (Nguồn: trtworld.com)

Phóng viên TTXVN tại Bắc Phi cho biết lãnh đạo của 2 phe đối địch chính trong cuộc khủng hoảng tại Libya là người đứng đầu Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) được quốc tế ủng hộ, ông Fayez Serraj, và chỉ huy quân đội quyền lực nhất của phe đối lập ở nước này, Tướng Khalifa Haftar, ngày 25/7 tại thủ đô Paris (Pháp) cam kết ngừng bắn và tổ chức bầu cử “nhanh nhất có thể.”

Theo dự thảo tuyên bố do Văn phòng Tổng thống Pháp công bố, ông Serraj và Tướng Haftar nhất trí cam kết ngừng bắn và nỗ lực tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội trong thời gian sớm nhất.

[Người đứng đầu hai phe đối địch chính tại Libya nhóm họp tại Pháp]

Giới chức Pháp lưu ý dự thảo trên chỉ là một trong những văn bản làm việc được phát trước khi diễn ra cuộc họp.

Văn bản gồm 10 điểm này cũng nhấn mạnh chỉ có một giải pháp chính trị mới có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Libya, đồng thời ủng hộ thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc được ký kết hồi năm 2015 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang chủ trì các cuộc họp tại Paris giữa 2 lãnh đạo phe đối địch nói trên của Libya. Mục tiêu của các cuộc họp là hối thúc hai bên ít nhất vạch ra được một lộ trình để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu tại nước này.

Hiện, Libya đang bị tàn phá bởi cuộc tranh giành quyền lực giữa hàng chục nhóm vũ trang khác nhau, sau khi cố lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ hồi năm 2011.

Một chính phủ đoàn kết dân tộc đã được thành lập và hoạt động tại Tripoli từ tháng 3/2016.

Tuy nhiên, đến nay GNA vẫn chật vật trong việc xác lập quyền lãnh đạo trên cả nước. Hầu hết các đại sứ quán nước ngoài tại Libya đã đóng cửa từ năm 2014 do tình hình bất ổn tại đây.

Đến nay, một số nước chủ chốt thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã cử đại sứ trở lại Libya sau khi GNA được thành lập nhằm thể hiện sự đoàn kết với Chính phủ Libya được Liên hợp quốc ủng hộ.

Lo ngại về sự bất ổn chính trị và an ninh tại Libya cũng như mối đe dọa khủng bố tại nước này, Pháp tuyên bố sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ của đặc phái viên mới của Liên hợp quốc về Libya Ghassam Salame và giúp quốc gia Bắc Phi này tìm kiếm thỏa thuận chính trị.

Hồi tháng Sáu, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định Libya là một vấn đề ưu tiên của Tổng thống nước này Macron./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục