Hải Phòng: Phê bình 2 chủ tịch huyện chậm xử phạt nuôi ngao không phép

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng phê bình Chủ tịch UBND 2 huyện Kiến Thụy và Tiên Lãng do chậm trễ trong việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ nuôi ngao không phép.
Hải Phòng: Phê bình 2 chủ tịch huyện chậm xử phạt nuôi ngao không phép ảnh 1Lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế các chòi nuôi ngao. (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng phê bình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân hai huyện Kiến Thụy và Tiên Lãng do chậm trễ trong việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ nuôi ngao không phép trên địa bàn.

Đây là một trong những nội dung tại Kết luận số 522/TB-UBND ngày 12/9/2022 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng sau khi nghe hai huyện báo cáo tiến độ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và kế hoạch, phương án cắm phao tiêu khu vực di dời các hộ nuôi ngao không phép tại địa phương.

Tại Kết luận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng chỉ đạo các huyện thực hiện cắm phao tiêu, dựng chòi bảo vệ phục vụ công tác di dời, giải tỏa hoạt động nuôi ngao không phép trên địa bàn huyện Kiến Thụy-giai đoạn 1 (xung quanh 4 mỏ cát của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Vận tải Thành Trang, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Đông Kinh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Thiên Quý) từ ngày 22/9/2022.

Thời gian dự kiến thực hiện cưỡng chế buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các trường hợp nuôi ngao không phép: giai đoạn 1, trên địa bàn huyện Kiến Thụy từ ngày 10/10/2022; giai đoạn 2, trên địa bàn huyện Kiến Thụy (gồm khu vực quy hoạch Cảng Nam Đồ Sơn và các khu vực còn lại) từ đầu năm 2023. Đối với diện tích khu vực biển khoảng 3.000ha đang lập quy hoạch để nuôi nhuyễn thể tại địa bàn huyện Tiên Lãng giai đoạn 2022-2030, từ đầu tháng 11/2022.

Cùng đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng yêu cầu Ủy ban Nhân dân huyện Kiến Thụy tiếp thu ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan, điều chỉnh phạm vi, ranh giới, diện tích khu vực và vị trí cắm phao tiêu đảm bảo diện tích nuôi ngao của các hộ nằm hoàn toàn trong phạm vi cắm phao tiêu và đảm bảo luồng vào để phục vụ việc khai thác khoáng sản cát diễn ra bình thường sau khi hoàn thành việc cưỡng chế.

[Hải Phòng: Các hộ nuôi ngao không phép chấp hành quyết định cưỡng chế]

Huyện Kiến Thụy phối hợp với huyện Tiên Lãng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện cắm phao tiêu đối với các vị trí phao tiêu nằm trên địa bàn huyện Tiên Lãng; khẩn trương kiểm tra, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ nuôi ngao trong phạm vi khu vực cắm phao tiêu, giai đoạn 1, xong trước ngày 20/9/2022; lập, hoàn thiện hồ sơ cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phương án cưỡng chế, kế hoạch cưỡng chế, kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự; tiếp tục kiểm tra, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ nuôi ngao trên các khu vực còn lại thuộc địa bàn huyện Kiến Thụy.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước và chủ trương của thành phố trong việc di dời, giải tỏa hoạt động nuôi ngao không phép.

Đối với huyện Tiên Lãng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng yêu cầu khẩn trương kiểm tra, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ nuôi ngao tại khu vực biển đang quy hoạch để nuôi nhuyễn thể tại địa bàn huyện Tiên Lãng, giai đoạn 2022-2030 (khoảng 3.000ha) xong trước ngày 1/10/2022.

Chuẩn bị phao tiêu và đề xuất kế hoạch, phương án, vị trí cắm phao tiêu, dựng chòi bảo vệ tại khu vực 3.000ha nêu trên, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng trước ngày 25/9/2022. Khẩn trương lập, hoàn thiện hồ sơ cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phương án cưỡng chế, kế hoạch cưỡng chế, kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự.

Các ban, ngành, đơn vị liên quan phối hợp với chính quyền địa phương nắm bắt tình hình đối với các hộ nuôi ngao; xác định lại phạm vi, ranh giới, diện tích khu vực và vị trí cắm phao tiêu; tăng cường lực lượng, tuần tra, giám sát đảm bảo tình hình an ninh, trật tự trên biển trước, trong và sau khi hai huyện thực hiện cắm phao tiêu, dựng nhà chòi bảo vệ; phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về gây rối trật tự, lập hồ sơ ban đầu chuyển về Công an thành phố xử lý theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục