"Hạn chế tham nhũng y tế bằng giáo dục đạo đức"

Để hạn chế tình trạng tham nhũng trong ngành y tế, Bộ Y tế tăng cường điều tiết hành vi người thầy thuốc bằng giáo dục đạo đức.
Nếu những hiện tượng tham nhũng trong ngành y tế kéo dài, sẽ "bóp méo" cơ cấu hệ thống chăm sóc y tế, dẫn đến sự đình trệ trong hoạt động của ngành. Từ đó, sẽ ảnh hưởng đến khả năng góp phần xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế chung của toàn xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế, đã có cuộc trao đổi xung quanh các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng tham nhũng trong ngành y tế.

Sự mất cân đối trầm trọng giữa cung và cầu trong ngành y tế, biểu hiện là sự quá tải trầm trọng ở các bệnh viện tuyến trên là nguyên nhân gia tăng các hành vi tham nhũng và nhũng nhiễu người bệnh của một số y, bác sĩ. Bộ Y tế sẽ khắc phục tình trạng này bằng cách nào, thưa ông?


Tiến sĩ Nguyễn Quốc Triệu: Khi cung ít hơn cầu thì thế nào cũng xảy ra tiêu cực; đây là một thách thức lớn, nhưng Bộ Y tế không bó tay. Chúng tôi đã đề ra nhiều biện pháp như tăng thêm giờ làm, giảm số ngày điều trị trung bình một cách hợp lý để có thêm giường bệnh cho bệnh nhân.

Đặc biệt, Bộ Y tế đã vận động tiết kiệm diện tích hành chính để tăng diện tích buồng bệnh cho bệnh nhân. Nhờ vậy đã có nhiều giường bệnh được kê thêm trên diện tích vốn hạn hẹp. Điều đó cũng có nghĩa, đã có thêm nhiều bệnh nhân được hưởng chất lượng dịch vụ điều trị tốt hơn.

Xin ông cho biết thêm về những giải pháp mà Bộ Y tế sẽ triển khai trong thời gian tới nhằm khắc phục tình trạng tham nhũng trong ngành y?

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Triệu: Tôi thừa nhận rằng trong ngành y tế cũng còn một số ít cán bộ nhũng nhiễu, làm phiền bệnh nhân nhưng cũng phải khẳng định rằng có rất nhiều người "thiện" và tuyệt đại đa số là vượt khó vươn lên, nhiệt huyết với nghề.

Theo tôi, y tế là một lĩnh vực đặc biệt, vừa bị chi phối bởi pháp luật, vừa bị chi phối bởi đạo đức. Mà đạo đức được hình thành và ảnh hưởng bởi cả một quá trình giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội.

Dẫu vậy, nhưng chúng ta thống nhất quan điểm là nhân viên y tế không được vòi vĩnh, nhũng nhiễu người bệnh. Dù thiếu thốn nhưng đã vào ngành y thì phải giữ y đức với người bệnh.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành quy chế ứng xử trong ngành y tế. Ngoài ra, còn có các hội đồng chuyên môn, hội đồng thuốc, hội đồng thi đua khen thưởng…

Từ khi có Nghị định 43, giao quyền tự chủ về tài chính cho bệnh viện, thì thu nhập của nhân viên y tế cao hơn, có những bệnh viện tăng lương, thưởng thêm từ 1 - 1,5 triệu đồng/người/tháng, nếu cán bộ vi phạm thì cắt thưởng. Bên cạnh đó, chúng tôi còn kết hợp với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ”.

Như vậy, Bộ Y tế vừa chú trọng điều tiết hành vi của người thầy thuốc bằng pháp luật nhưng cũng vừa tăng cường điều tiết bằng giáo dục đạo đức.

Riêng về lĩnh vực đấu thầu trang thiết bị vật tư, thuốc thì đã có Luật Đấu thầu. Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện, để đảm bảo việc mua sắm trang thiết bị y tế đúng quy trình, quy chế.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy tắc, chuẩn mực ứng xử, đạo đức, nghề nghiệp của cán bộ, công viên chức ngành y tế; chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm tra thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng; xây dựng và ban hành Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của ngành y tế.

Bộ cũng đẩy mạnh cải cách hành chính để ngăn ngừa tham nhũng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; phát hiện và xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện tiêu cực, hành vi tham nhũng, gây khó khăn phiền hà, sách nhiễu... khi thi hành nhiệm vụ.

Xin cảm ơn ông!/.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục