Hàn Quốc chờ Nhật Bản xin lỗi về vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến

Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Nhật thu hút sự quan tâm của dư luận về việc liệu Thủ tướng Kishida có đưa ra lời xin lỗi rõ ràng đối với các nạn nhân bị cưỡng bức trong thời kỳ chiến tranh hay không.
Hàn Quốc chờ Nhật Bản xin lỗi về vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Tokyo, ngày 16/3. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Ngày 6/5, trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, tờ DongA Ilbo (Hàn Quốc) đưa tin hai bên đã thống nhất lần cuối chương trình nghị sự.

Mặc dù chính phủ hai nước thống nhất quan điểm chính thức rằng ý nghĩa nổi bật của chuyến thăm là việc các nhà lãnh đạo nối lại ngoại giao con thoi, nhưng dư luận đều hiểu rằng nhiều vấn đề tế nhị, bao gồm hợp tác an ninh, xử lý nước nhiễm xạ và các vấn đề lịch sử như lao động cưỡng bức thời chiến, đã khiến các bên phải chật vật để đi đến thống nhất về một thỏa thuận thân thiện.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn qua điện thoại với tờ DongA Ilbo, một quan chức giấu tên của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết: “Nhật Bản chịu trách nhiệm đưa ra lời xin lỗi một cách độc lập. Bây giờ đến lượt Nhật Bản phải trả lời. Nhật Bản nhận thức được những gì họ nên làm.”

[Hàn Quốc: Không có tuyên bố chung sau hội đàm thượng đỉnh với Nhật Bản]

Mặc dù chính phủ hai nước không chính thức bàn về vấn đề này trước hội nghị thượng đỉnh, nhưng tuyên bố của vị quan chức trên ngụ ý rằng Nhật Bản đang chịu áp lực phải đáp lại một cách chân thành các động thái ngoại giao trước đó của Tổng thống Yoon Suk-yeol, ngay cả khi Hàn Quốc không yêu cầu rõ ràng một lời xin lỗi trực tiếp.

Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Nhật ngày 7/5 thu hút sự quan tâm của dư luận về việc liệu Thủ tướng Kishida có đưa ra lời xin lỗi rõ ràng đối với các nạn nhân bị cưỡng bức trong thời kỳ thuộc địa của Nhật Bản hay không.

Trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Yoon hồi tháng 3, Thủ tướng Kishida đã không đề cập đến “lời xin lỗi và suy ngẫm về quá khứ thực dân” như từng được nêu trong Tuyên bố chung Kim Dae-jung-Obuchi năm 1998.

Thay vào đó, lập trường của nhà lãnh đạo Nhật Bản chỉ giới hạn ở việc kế thừa quan điểm trước đó của các chính quyền tiền nhiệm về vấn đề lịch sử với Hàn Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục