Hàn Quốc và Ba Lan hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Dự án sử dụng công nghệ APR1400, lò phản ứng thế hệ tiếp theo do Hàn Quốc phát triển, được cho là có công suất lớn hơn, tuổi thọ cao hơn và tiết kiệm chi phí.
Hàn Quốc và Ba Lan hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân ảnh 1Quang cảnh lễ ký kết. (Nguồn: polsatnews.pl)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 31/10, các công ty của Ba Lan và Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ (MOU) thúc đẩy kế hoạch xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Ba Lan.

Tham dự lễ ký có Công ty điện hạt nhân và thủy điện (KHNP) của Hàn Quốc, tập đoàn năng lượng tư nhân ZE PAK và công ty điện lực nhà nước PGE của Ba Lan.

Bản ghi nhớ có nội dung liên quan kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Patnow, cách thủ đô Warsaw của Ban Lan khoảng 240km về phía Tây.

[Ba Lan muốn mua điện từ nhà máy điện hạt nhân của Ukraine]

Dự kiến, dự án sử dụng công nghệ APR1400, lò phản ứng thế hệ tiếp theo do Hàn Quốc phát triển, được cho là có công suất lớn hơn, tuổi thọ cao hơn và tiết kiệm chi phí.

Các bên đang tìm cách xây dựng kế hoạch sơ bộ trước cuối năm nay.

Phó Thủ tướng Ba Lan Jacek Sasin nhấn mạnh: “Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Patnow sẽ hỗ trợ chương trình năng lượng hạt nhân của Ba Lan. Điều này rất quan trọng đối với chúng tôi từ góc độ quốc gia... Chắc chắn đây sẽ là bước tiếp theo trong việc tăng cường hợp tác kinh doanh giữa hai nước và là cơ hội tuyệt vời để chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm.”

Nếu Ba Lan và Hàn Quốc đạt được thỏa thuận cuối cùng cho dự án Patnow, đây sẽ là nhà máy điện hạt nhân xuất khẩu đầu tiên của Hàn Quốc kể từ dự án Barakah năm 2009 ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ thúc đẩy lĩnh vực năng lượng hạt nhân bằng cách đảo ngược chính sách loại bỏ hạt nhân của chính quyền tiền nhiệm, đồng thời đặt mục tiêu xuất khẩu 10 lò phản ứng điện hạt nhân từ nay đến năm 2030.

Thỏa thuận trên đạt được chỉ vài ngày sau khi Ba Lan chọn công ty năng lượng hạt nhân Westinghouse của Mỹ để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân khác. Nộp hồ sơ dự thầu dự án này còn có công ty KHNP của Hàn Quốc và EDF của Pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục