Tháng Giêng là đợt cao điểm của lễ hội và cũng là “mùa làm ăn” của các dịch vụ phục vụ ăn uống... Ở các lễ hội, cảnh tượng lều quán tạm bợ, nhếch nhác, thức ăn chín, sống bày bán lẫn lộn, trong khi người bán hàng dùng tay trần bốc thức ăn phục vụ khách đã trở nên khá quen thuộc.
Phủ Tây Hồ những ngày này, du khách vẫn đông nghẹt. Hai bên đường dẫn vào Phủ có hàng loạt quán bún ốc, bánh tôm, bánh bột lọc, bánh tẻ, bánh đúc… không được che đậy. Từ cổng Tam quan bước vào, hàng ăn mất vệ sinh mọc san sát với những rổ bánh tôm, những đĩa chim quay, gà nướng "phơi" trên sạp và chìa hẳn ra đường để mời gọi du khách.
Khi thấy chúng tôi băn khoăn chuyện vệ sinh thực phẩm, chị chủ quán Quỳnh Anh khoát tay phân trần: "Nhà này là đảm bảo nhất rồi, đường sá sạch thế kia làm gì có bụi, khỏi phải lo."
Tại quán này cũng như nhiều hàng ăn khác, nhân viên phục vụ không đeo găng tay, thản nhiên đếm tiền rồi lại bốc thức ăn cho khách.
Người bán đã vậy, còn người mua cũng mặc sức chấp nhận ăn chung cùng bụi và bẩn. Vừa ra khỏi một quán bún ốc, chị Hoàng Thị Minh (Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết: “Lúc mệt mỏi, đói khát, chúng tôi ghé vào hàng quán ăn tạm, còn để tìm những nơi đảm bảo vệ sinh, e rằng ở nơi nghìn nghịt người qua kẻ lại này rất khó."
Mặc kệ bàn ăn bám bụi mờ, rác thải, giấy ăn trắng xóa dưới nền đất, các thực khách vẫn "gật gù" thưởng thức.
Để hạn chế tình trạng trên, các địa phương nơi có lễ hội đã có nhiều động thái tích cực để kiểm tra, kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại Lễ hội Chùa Hương, ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban quản lý Khu di tích danh thắng Hương Sơn cho biết năm nay, chùa Hương dự kiến đón khoảng hơn 2 triệu lượt khách. Ban tổ chức đã yêu cầu hàng ăn trong khu vực lễ hội phải có tủ kính bảo quản thức ăn, tủ đông để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hai tổ thanh tra cũng được thành lập để kiểm tra vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của các hàng quán.
Quy định là vậy, nhưng thực tế những biện pháp của chính quyền vẫn chưa đủ mạnh và quyết liệt vì lực lượng mỏng, trong khi các quán xá ngày càng mọc như nấm. Dọc đường từ Bến Đục lên Thiên Trù, hàng chục quán bán thịt rừng san sát. Mùi tanh của máu, mùi hôi thối của chất thải khiến du khách phải bịt mũi để đi qua.
“Người bán cứ bán, người ăn cứ ăn tạo ra một cảnh hỗn độn song tuyệt nhiên không thấy có bóng dáng của lực lượng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm," chị Nguyễn Thu Minh (Bùi Ngọc Dương, Hà Nội) bức xúc nói.
Khu du lịch chùa Hương hiện có 220 cơ sở ăn uống, trong đó có gần 60% cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực trạng này tồn tại không chỉ ở lễ hội chùa Hương. Kết quả kiểm tra, xét nghiệm của Cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, phần lớn thức ăn đường phố và thức ăn chế biến sẵn không đảm bảo yêu cầu vệ sinh.
Khi nói về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại lễ hội, một vị lãnh đạo Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ thừa nhận vấn đề này tồn tại đã nhiều năm, tuy nhiên chưa được khắc phục. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát thức ăn đường phố, đảm bảo an toàn vệ sinh trong suốt mùa lễ hội chưa được chặt chẽ, kịp thời khiến cho vi phạm năm này nối tiếp năm sau.
Còn ông Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Nam Định, nơi có lễ hội đền Trần, Phủ Dày nổi tiếng cả nước cho rằng lực lượng thanh tra ở các địa phương thường mỏng, không thể kiểm soát được hết, hơn nữa hầu như những người vi phạm chỉ bị nhắc nhở, cảnh cáo.
Trong “tháng ăn chơi” này, bên cạnh việc chuẩn bị kỹ mọi thứ, người dân nên biết cách tự bảo vệ sức khỏe cho mình, không "tiếp tay" và kiên quyết nói "không" với thực phẩm mất an toàn. Đây là nội dung của nhiều bản khuyến cáo thường xuyên được các ngành chức năng đưa ra trong dịp lễ hội./.
Phủ Tây Hồ những ngày này, du khách vẫn đông nghẹt. Hai bên đường dẫn vào Phủ có hàng loạt quán bún ốc, bánh tôm, bánh bột lọc, bánh tẻ, bánh đúc… không được che đậy. Từ cổng Tam quan bước vào, hàng ăn mất vệ sinh mọc san sát với những rổ bánh tôm, những đĩa chim quay, gà nướng "phơi" trên sạp và chìa hẳn ra đường để mời gọi du khách.
Khi thấy chúng tôi băn khoăn chuyện vệ sinh thực phẩm, chị chủ quán Quỳnh Anh khoát tay phân trần: "Nhà này là đảm bảo nhất rồi, đường sá sạch thế kia làm gì có bụi, khỏi phải lo."
Tại quán này cũng như nhiều hàng ăn khác, nhân viên phục vụ không đeo găng tay, thản nhiên đếm tiền rồi lại bốc thức ăn cho khách.
Người bán đã vậy, còn người mua cũng mặc sức chấp nhận ăn chung cùng bụi và bẩn. Vừa ra khỏi một quán bún ốc, chị Hoàng Thị Minh (Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết: “Lúc mệt mỏi, đói khát, chúng tôi ghé vào hàng quán ăn tạm, còn để tìm những nơi đảm bảo vệ sinh, e rằng ở nơi nghìn nghịt người qua kẻ lại này rất khó."
Mặc kệ bàn ăn bám bụi mờ, rác thải, giấy ăn trắng xóa dưới nền đất, các thực khách vẫn "gật gù" thưởng thức.
Để hạn chế tình trạng trên, các địa phương nơi có lễ hội đã có nhiều động thái tích cực để kiểm tra, kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại Lễ hội Chùa Hương, ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban quản lý Khu di tích danh thắng Hương Sơn cho biết năm nay, chùa Hương dự kiến đón khoảng hơn 2 triệu lượt khách. Ban tổ chức đã yêu cầu hàng ăn trong khu vực lễ hội phải có tủ kính bảo quản thức ăn, tủ đông để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hai tổ thanh tra cũng được thành lập để kiểm tra vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của các hàng quán.
Quy định là vậy, nhưng thực tế những biện pháp của chính quyền vẫn chưa đủ mạnh và quyết liệt vì lực lượng mỏng, trong khi các quán xá ngày càng mọc như nấm. Dọc đường từ Bến Đục lên Thiên Trù, hàng chục quán bán thịt rừng san sát. Mùi tanh của máu, mùi hôi thối của chất thải khiến du khách phải bịt mũi để đi qua.
“Người bán cứ bán, người ăn cứ ăn tạo ra một cảnh hỗn độn song tuyệt nhiên không thấy có bóng dáng của lực lượng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm," chị Nguyễn Thu Minh (Bùi Ngọc Dương, Hà Nội) bức xúc nói.
Khu du lịch chùa Hương hiện có 220 cơ sở ăn uống, trong đó có gần 60% cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực trạng này tồn tại không chỉ ở lễ hội chùa Hương. Kết quả kiểm tra, xét nghiệm của Cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, phần lớn thức ăn đường phố và thức ăn chế biến sẵn không đảm bảo yêu cầu vệ sinh.
Khi nói về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại lễ hội, một vị lãnh đạo Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ thừa nhận vấn đề này tồn tại đã nhiều năm, tuy nhiên chưa được khắc phục. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát thức ăn đường phố, đảm bảo an toàn vệ sinh trong suốt mùa lễ hội chưa được chặt chẽ, kịp thời khiến cho vi phạm năm này nối tiếp năm sau.
Còn ông Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Nam Định, nơi có lễ hội đền Trần, Phủ Dày nổi tiếng cả nước cho rằng lực lượng thanh tra ở các địa phương thường mỏng, không thể kiểm soát được hết, hơn nữa hầu như những người vi phạm chỉ bị nhắc nhở, cảnh cáo.
Trong “tháng ăn chơi” này, bên cạnh việc chuẩn bị kỹ mọi thứ, người dân nên biết cách tự bảo vệ sức khỏe cho mình, không "tiếp tay" và kiên quyết nói "không" với thực phẩm mất an toàn. Đây là nội dung của nhiều bản khuyến cáo thường xuyên được các ngành chức năng đưa ra trong dịp lễ hội./.
Mỹ Bình (TTXVN/Vietnam+)