Hàng trăm nhạc cụ tiền tỷ đã hết trùm mền

Hàng trăm nhạc cụ được mua với số tiền 47 tỷ đồng mà thời gian qua công luận rất quan tâm đã được khai thác sử dụng.
Ngày 28/8, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh ký quyết định về việc cho các thành viên của dàn nhạc giao hưởng mượn nhạc cụ để sử dụng trong tập luyện và biểu diễn.

Thế là cuối cùng hàng trăm nhạc cụ được mua với số tiền 47 tỷ đồng mà thời gian qua công luận rất quan tâm đã được khai thác sử dụng.

Toàn bộ nhạc cụ sẽ ra mắt trong một đêm diễn rất có ý nghĩa nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh lúc 20 giờ ngày 9/9/2009 tại Nhà hát thành phố.

Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với nhạc trưởng, Nghệ sỹ Ưu tú Tần Vương Thạch, Phó giám đốc nhà hát.

Tháo “mền” cho các nhạc cụ

Anh có thể cho biết tình hình nhạc cụ tiền tỷ của nhà hát hiện nay như thế nào?

Cho đến nay việc tiếp nhận và nghiệm thu toàn bộ nhạc cụ đã hoàn tất, có 2 cây kèn clarinet bị lỗi kỹ thuật đã được nhà cung cấp đổi lại, cây đàn clavecin làm bằng tay theo kiểu cổ là nhạc cụ cuối cùng đến Việt Nam. Hội đồng chuyên môn của nhà hát đã hoàn tất công việc nghiệm thu vào 22/8/2009.

Điều mà nhiều người quan tâm là những nhạc cụ đó hiện nay được bảo quản như thế nào?

Hiện nay, ngoại trừ 1 cây đàn piano hiệu Steinway đặt tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh để sử dụng trong biểu diễn của nhà hát, toàn bộ nhạc cụ được cất giữ tại kho 360 đường Cách mạng tháng Tám, quận 3 (rạp Thanh Vân).

Kho có trang bị máy hút ẩm, máy lạnh, thiết bị đo nhiệt độ và độ ẩm, theo đúng tiêu chuẩn bảo quản nhạc cụ của nhà sản xuất. Những nhạc cụ cần thiết đều có giá hoặc tủ để chứa đựng. Nhà kho khá rộng rãi, đủ để chứa thoải mái hàng trăm nhạc cụ mới mua về (có tổng cộng 81 chủng loại nhạc cụ, có chủng loại số lượng rất nhiều ví dụ violin có 26 cây, viola có 10 cây...).

Việc khai thác sử dụng sẽ như thế nào?

Ngày 28/8/2009 Giám đốc nhà hát đã ký quyết định cho mượn nhạc cụ, nói nôm na là giao hẳn cho những nhạc công, họ mang về nhà cất giữ để tập luyện và biểu diễn. Đối tượng được mượn nhạc cụ là tất cả các thành viên dàn nhạc thuộc biên chế Nhà hát hoặc cộng tác viên thường xuyên.

Lý do mà Nhà hát phải giao nhạc cụ cho nhạc công mượn là vì mỗi nhạc công muốn đạt hiệu quả biểu diễn cao, họ phải được biểu diễn nhạc cụ “ruột” của mình, đó là nhạc cụ mà họ tập hàng ngày, không thể tập với cây violin này nhưng biểu diễn là cây violin khác.

Mặt khác, các nhạc cụ cần được sử dụng mới đạt được độ vang cần thiết và phát huy hết những âm sắc vốn có của nó. Nếu nhạc cụ mua về để vài năm không sử dụng có thể nó sẽ bị “tịt”. Mỗi nhạc cụ chúng tôi đều có lập một hồ sơ riêng để theo dõi và trong tương lai, nó phải được luân chuyển để sử dụng.

Vấn đề còn lại là con người…

Được biết nhạc cụ mới sẽ ra mắt trong dịp kỷ niệm 15 năm thành lập nhà hát, anh có thể nói cụ thể hơn?

Có một vài loại nhạc cụ mà trước đây chưa từng xuất hiện trong các chương trình của nhà hát như: đàn clavecin (một loại đàn tương tự như piano nhưng nguyên tắc phát âm và âm sắc khác), kèn clarinet bass, kèn contrebasson, đàn contrebasse 5 dây, nhiều loại nhạc cụ gõ...

Những tác phẩm dàn nhạc biểu diễn trong chương trình phải lựa chọn tác phẩm mà tác giả có sử dụng những loại nhạc cụ này để đảm bảo sử dụng hết những nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng vừa được trang bị. Ví dụ tác phẩm La Notte của Vivaldi (có sử dụng đàn clavecin), Rhapsodie Chăm của nhạc sĩ Vĩnh Lai (có sử dụng clarinet bass, contrebasson...).

Có một dàn nhạc cụ tốt sẽ cải thiện chất lượng biểu diễn như thế nào?
Trước hết cần nói rằng những nhạc cụ mới và chất lượng là một trong những điều kiện hấp dẫn nhạc công đến với dàn nhạc, là niềm khích lệ và tạo cho họ sự hưng phấn trong tập luyện và biểu diễn.

Chúng ta đã có một dàn nhạc cụ với chất lượng âm thanh ngang tầm quốc tế, điều mà nhiều năm qua chúng ta mơ ước, vấn đề còn lại chỉ là yếu tố con người. Và nếu nó được vang lên trong một không gian nhà hát đạt tiêu chuẩn, chúng ta sẽ có một chất lượng âm thanh lý tưởng.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này./.
(TT&VH/Vienam+)

Tin cùng chuyên mục