Hàng trăm thanh niên chen lấn giằng cây bông lấy may

Chiều 11/3 (tức mùng 6/2 âm lịch), tục giằng bông tại lễ hội đình làng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội, đã diễn ra với sự tham dự của hàng trăm thanh niên trong làng.
Người may mắn giằng được cây bông mang về đình làng. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Chiều 11/3 (tức mùng 6/2 âm lịch), tục giằng bông tại lễ hội đình làng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội, đã diễn ra với sự tham dự của hàng trăm thanh niên trong làng.

Dù tiết trời oi bức, mọi người vẫn ra sức chen lấn, giằng cây bông lấy may, bởi theo quan niệm của dân làng, nếu ai giành được cây bông sẽ sinh được con trai, gia đình gặp nhiều may mắn.

Khuôn viên đình làng Sơn Đồng khá chật cho một nghi lễ giằng lộc với sự tham gia của nhiều người. Dân làng đứng chen chân trước khu vực hành lễ với mong muốn nhanh tay giằng được cây bông khi Ban khánh tiết tung ra.

Chiều ngày 11/3 (6/2 âm lịch) diễn ra lễ hội Giằng Bông. Theo thông lệ, lễ hội diễn ra từ ngày mồng 4 đến ngày mồng 7 tháng 2 âm lịch, cứ 5 năm tổ chức linh đình một lần. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tương truyền, người nào giành được cây bông cả năm sẽ gặp may mắn, riêng những ai đã có gia đình sẽ sinh được quý tử, do đó giằng bông là phần được trông đợi và diễn ra náo nhiệt nhất khi hàng trăm trai làng sẽ lao vào giành cây bông. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đây là một lễ hội lớn được tổ chức ngay sau Tết nguyên đán, Tương truyền những ai đoạt được cây bông sẽ là niềm tự hào của làng xóm, gia đình. Do vậy thanh niên trong làng ai nấy đều quyết liệt đạt bằng được cây bông. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Sự tích này gắn liền với thời Hai Bà Trưng, ai cướp được cây bông hoặc chạm vào sẽ sinh quý tử. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cây bông được sử dụng trong lễ hội phải đảm bảo tre phải là cây đực, già, không bị sâu, không kiến, gióng đều nhau. Người vót sẽ trực tiếp chọn tre, mỗi cây lấy một đoạn dài hơn 1 mét, đếm đủ 5 gióng 4 cọc thuộc cung ngũ phúc rồi vót thành bông, sau đó cuốn xù từng gióng và thêm tua cho đẹp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Chuyện xô xát ẩu đả trong lễ hội vẫn tiếp tục diễn ra khi có nhiều thanh niên tỏ ra bức xúc trong việc tranh giành cây bông. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tuy công tác an ninh đã được tăng cường hơn, có sự kết hợp giữa công an xã và huyện, đảm bảo cho lễ hội được diễn ra thuận lợi nhất nhưng tình trạng ẩu đả vẫn diễn ra. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Lực lượng an ninh đã liên tục ngăn cản thậm chí khống chế một số thanh niên quá khích. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhiều người tỏ ra mệt mỏi sau một khoảng thời gian dài tranh cướp cây bông. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thậm chí một số người đuối sức ngã quỵ xuống. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Lễ hội giằng bông đã tổ chức được rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ bị mất sự sôi động của nó. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhiều người tới tham gia không chỉ đơn giản chứng kiến nét độc đáo, sự sôi động của một lễ hội mà là trải nghiệm lại những giá trị văn hóa có từ ngàn đời của dân tộc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cây bông được chuẩn bị từ trước lễ hội khoảng một tháng.(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Theo tục lệ, người đi chọn tre làm cây bông phải là người có tuổi câu đương, tức là 50 tuổi. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Theo quy định, sẽ có hai lượt tương ứng với hai cây bông được phát ra, mỗi cây cách nhau một tiếng. Sau khi giằng co, người giành chiến thắng phải giơ thẳng cây bông lên và mang vào đình làng trình Thánh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đúng 13 giờ 30 phút, sau khi thực hiện nghi lễ truyền thống, đại diện Ban khánh tiết tung xôi trắng cho những người tham gia để lấy sức khỏe trước khi thực hiện giằng bông. Cây bông được làm từ đoạn tre dài hơn 1 mét, từng khúc được cuốn các sợi bông vót mềm từ tre, trang trí trông bắt mắt.

Cây bông thứ nhất được tung ra, tất cả cùng lao vào chen lấn, xô đẩy. Những người đứng trước ghì cây lộc không buông, người vòng ngoài lao vào khiến đám đông di chuyển từ chỗ nọ đến chỗ kia khắp sân đình. Ai cũng cố sức nhưng chỉ một thời gian sau đó nhiều người đã mặt mũi nhợt nhạt và không ít thanh niên phải bỏ cuộc vì không đủ sức tham gia.

Càng về cuối, số người bỏ cuộc càng nhiều. Sau khoảng 30 phút, người giằng được cây bông giơ cao lên trời kết thúc lượt giằng bông thứ nhất. Rất nhiều người tung thanh niên này lên cao để cổ vũ và người thắng cuộc sau đó làm lễ tạ trong đình. Tiếp đó, cây bông thứ hai được tung ra, lượt giằng mới lại tiếp tục đến khi có người chiến thắng.

Anh Nguyễn Khánh Hòa, người làng Sơn Đồng cho biết, đã tham gia tục giằng bông được 4 năm nay với mong muốn mang lại phúc lộc cho gia đình và sau này sẽ có con trai. Anh Hòa bày tỏ niềm tự hào với lễ hội làng mình và cho biết sẽ tiếp tục tham gia trong những năm tiếp theo.

Theo ghi nhận, dù tục giằng bông được coi là tục giằng lộc nhưng khác với năm trước, năm nay hầu như không còn hiện tượng đánh nhau gây phản cảm. Tuy vậy, vẫn còn một vài trường hợp va chạm trong quá trình giằng bông và có thanh niên lao lên phía trên những người đang tập trung giằng kéo bông.

Trước khi diễn ra tục giằng bông, Ban Tổ chức phát loa yêu cầu những người tham gia giằng bông không đánh nhau, nói tục, cởi trần gây phản cảm, đề nghị mọi người góp phần xây dựng văn minh trong lễ hội. Năm nay, Ban Tổ chức huy động 50 chiến sỹ công an tham gia giữ gìn an ninh trật tự trong lễ hội.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sơn Đồng Nguyễn Đức Hùng cho biết, để đảm bảo tục giằng bông diễn ra an toàn, lành mạnh, ngay từ trước lễ hội, xã đã triển khai yêu cầu đến các thành phần tham gia tổ chức, dân làng và Ban khánh tiết, tuyệt đối không xảy ra bạo lực trong giằng bông. Ông Hùng cũng cho biết, khi giằng bông không thể tránh khỏi việc xô đẩy vì đây là nghi lễ có tính thượng võ và màu sắc tâm linh. Hiện tục giằng bông vẫn đảm bảo được tính truyền thống của lễ hội đình Sơn Đồng.

Từ ngày 9/3 (mùng 4/2 âm lịch), lễ hội đã thực hiện mở cửa cung, rước bông về đình, ngày 10/3 thực hiện nghi thức tế sấc (tế trước). Cùng với tục giằng bông, lễ hội còn phần tế chính, rước bánh, tổ chức hát thuyền tại ao đình, văn nghệ và thi đá bóng. Ngày 12/3 sẽ diễn ra lễ tạ cửa cung và kết thúc lễ hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục