Hạt nhân dân sự của Trung Quốc: Biến lưỡi cày thành thanh gươm?

Dù không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc có ý định chuyển đổi kho dự trữ plutoni thành nhiên liệu chế tạo vũ khí hạt nhân song có những dự đoán rằng nước này sẽ tăng số đầu đạn hạt nhân 10 năm tới.
Hạt nhân dân sự của Trung Quốc: Biến lưỡi cày thành thanh gươm? ảnh 1Một công trường xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc. (Nguồn: Nikkei Asian Review)

Theo Reuters/defensenews.com, nỗ lực của Trung Quốc nhằm phát triển nhiên liệu cho những lò phản ứng điện hạt nhân thế hệ mới sẽ tạo ra lượng lớn nhiên liệu có thể được chuyển sang chế tạo vũ khí hạt nhân. Đây là nhận định của giới chuyên gia trong báo cáo mang tên "Lĩnh vực hạt nhân dân sự của Trung Quốc: Biến lưỡi cày thành thanh gươm?"

Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng số lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc không nói lên nhiều điều mà chính là cách thức Mỹ triển khai chiến lược răn đe và ngăn chặn phù hợp sẽ giúp giảm thiểu rủi ro hạt nhân.

Trung Quốc ngầm chế tạo nhiên liệu hạt nhân?

Trong báo cáo mà Trung tâm Giáo dục Chính sách Không phổ biến vũ khí hạt nhân, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Washington, công bố hôm 25/3, Trung Quốc đang phát triển những lò phản ứng nhanh nâng cao và các cơ sở vật chất tái chế nhiên liệu trong bối cảnh quốc gia này đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào than đá, vốn phát khí thải độc hại đến sức khỏe con người và làm trầm trọng hơn vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, quá trình tái chế nhiên liệu hạt nhân cũng tạo ra plutoni, nhiên liệu để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy Bắc Kinh có ý định chuyển đổi kho dự trữ plutoni đầy tiềm năng của mình thành nhiên liệu chế tạo vũ khí hạt nhân, song quan ngại về khả năng này ngày càng gia tăng trong bối cảnh có những dự đoán cho rằng Bắc Kinh sẽ tăng số đầu đạn hạt nhân trong vòng 10 năm tới từ mức thấp là 200 đầu đạn hiện nay. 

Bình luận về quan ngại trên qua thư điện tử với Reuters, Hui Zhang, trợ lý nghiên cứu cấp cao cho Dự án Quản lý nguyên tử thuộc Đại học Harvard, khuyến nghị: "Để giảm thiểu những quan ngại của cộng đồng quốc tế đối với những vấn đề liên quan khả năng chuyển đổi lượng dự trữ nhiên liệu plutoni đó, Trung Quốc cần minh bạch hơn về các chương trình tái chế plutoni của mình, trong đó cần công bố kịp thời lượng dự trữ plutoni sử dụng vì mục đích dân sự như họ đã làm từ trước năm 2016."

[Xúc tiến nhiều nỗ lực đa phương nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran]

Ông Zhang, người tham gia báo cáo nói trên, cho rằng Trung Quốc cũng cần cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế của Liên hợp quốc giám sát các cơ sở tái chế plutoni. Ông này cũng tiết lộ rằng Trung Quốc đã bắt đầu công tác xây dựng nhà máy thứ hai để tái chế nhiên liệu của các lò phản ứng điện hạt nhân và nhà máy này dự kiến sẽ đi vào hoạt động trước năm 2030. Hiện Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.

Trong khi đó, Mỹ đã không tiến hành quá trình tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng sau khi cựu Tổng thống Jimmy Carter ngừng hoạt động tái chế kiểu này do những quan ngại về phổ biến vũ khí hạt nhân.

Báo cáo kiến nghị rằng Washington cần kêu gọi Bắc Kinh hợp tác với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản trong việc chia sẻ dữ liệu thông tin về trữ lượng dự trữ plutoni hiện tại cũng như trữ lượng urani được làm giàu và năng lực sản xuất nhiên liệu hạt nhân.

Các chuyên gia viết báo cáo cũng cho rằng Washington cần cùng với các nước nói trên tìm cách ngừng chế tạo plutoni. Nói cách khác, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cần ngừng sản xuất plutoni cũng như các chương trình lò phản ứng nhanh nếu Bắc Kinh có hành động tương tự. 

Trong lời tựa báo cáo, hai tác giả là Christopher Ford, phụ trách vấn đề phi hạt nhân thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, và Thomas Countryman, phụ trách vấn đề phi hạt nhân thời chính quyền Barack Obama, kêu gọi lãnh đạo các nước cần "chung tay" để ngăn chặn quá trình tái chế nhiên liệu hạt nhân quy mô lớn vì điều này sẽ chỉ khiến khu vực và thế giới trở nên bất an hơn.

Hiện Mỹ đang phát triển một lò phản ứng nhanh làm mát bằng natri. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ không đưa ra bất kỳ bình luận nào về báo cáo nói trên. Trong khi đó, Bộ Năng lượng Mỹ cho rằng lò phản ứng này không phải là một lò phản ứng tái sinh, một dạng lò chế tạo nhiều nhiên liệu phân hạch hơn so với nhu cầu tiêu dùng.

Một phát ngôn viên của Bộ Năng lượng Mỹ khẳng định chương trình nghiên cứu và phát triển lò phản ứng nhanh mà nước này đang tiến hành ở quy mô lớn hơn có tính toán đến những vấn đề phi hạt nhân hóa khi thiết kế các lò phản ứng.

Rủi ro hạt nhân Mỹ-Trung

Một bài viết đăng trên defensenews.com hôm 13/3 vừa qua cho rằng những rủi ro hạt nhân giữa Mỹ và Trung Quốc khác xa so với những rủi ro hạt nhân mà cuộc cạnh tranh hạt nhân Mỹ-Liên Xô gây ra trước kia, hoặc so với cuộc cạnh tranh hạt nhân Mỹ-Nga hiện nay.

Theo các tác giả bài viết, số lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc không phải là vấn đề gây quan ngại về rủi ro, mà chủ yếu là sự không tin tưởng lẫn nhau và việc hạ thấp những rủi ro dưới ngưỡng rủi ro hạt nhân.

Mặc dù vậy, giới tướng lĩnh và nghị sỹ Mỹ vẫn lo ngại nguy cơ Washington đánh giá sai lầm bản chất rủi ro hạt nhân với Trung Quốc. Ví dụ, trong phiên điều trần tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Tom Cotton và Đô đốc Philip Davidson, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đều nhất trí rằng Bắc Kinh có thề "vượt xa năng lượng hạt nhân" so với Mỹ nếu nước này tăng gấp ba hoặc gấp bốn kho dự trữ hạt nhân của mình. 

Tuy nhiên, tác giả bài viết thừa nhận Trung Quốc đang tăng cường quy mô và chủng loại kho vũ khí hạt nhân của họ. Mặc dù Bắc Kinh sẽ phải mất cả chặng đường dài để có thể theo kịp Mỹ về số lượng, song các loại hệ thống vũ khí mới của Trung Quốc có thể là nguồn gốc làm gia tăng rủi ro.

Trong khi đó, Mỹ cũng đang trong quá trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, song chủ yếu nhằm đối phó với quy mô và tốc độ mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Nga. 

Theo bài viết, việc thổi phồng quá mức thách thức mà các lực lượng hạt nhân của Trung Quốc gây ra sẽ không đem lại lợi ích gì cho Mỹ, nhất là khi việc này khiến Washington đầu tư quá mức vào việc phát triển các hệ thống vũ khí hạt nhân.

Bởi những thách thức ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay đòi hỏi chiến lược ngăn chặn và răn đe truyền thống, song được nâng cấp với những phương pháp mới để làm hài hòa giữa mục tiêu và phương thức ngăn chặn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục