Xúc tiến nhiều nỗ lực đa phương nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran

Tuyên bố của EU nêu rõ: "Các bên tham gia sẽ thảo luận về khả năng Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân JCPOA, cũng như các biện pháp nhằm đảm bảo các bên sẽ thực hiện thỏa thuận đầy đủ và hiệu quả."
Xúc tiến nhiều nỗ lực đa phương nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran ảnh 1Kỹ thuật viên làm việc bên trong một nhà máy điện hạt nhân ở Isfahan, Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) thông báo Iran cùng các cường quốc thế giới sẽ tiến hành họp trực tuyến trong ngày 2/4 để thảo luận khả năng Mỹ quay trở lại với thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) về vấn đề hạt nhân Iran.

Theo EU, cuộc họp trực tuyến này sẽ do nhà ngoại giao cấp cao của EU Enrique Mora chủ trì - thay mặt cho Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell.

Đại diện của Iran và Pháp, Nga, Anh, Trung Quốc cùng với Đức sẽ tham dự cuộc họp trực tuyến này.

Tuyên bố của EU nêu rõ: "Các bên tham gia sẽ thảo luận về khả năng Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân JCPOA, cũng như các biện pháp nhằm đảm bảo rằng các bên sẽ thực hiện thỏa thuận một cách đầy đủ và hiệu quả."

Động thái trên được Washington đánh giá tích cực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định: "Chúng tôi thực sự hoan nghênh bước đi tích cực này. Chúng tôi sẵn sàng theo đuổi việc trở lại tuân thủ các cam kết JCPOA, nếu Iran cũng thực hiện điều tương tự."

Ông Price cho biết Mỹ đang thảo luận cùng các đối tác "về cách thức tốt nhất để đạt được điều này."

[Nga sẵn sàng hợp tác với các bên để khôi phục đầy đủ JCPOA]

Theo một nguồn tin ngoại giao, các quan chức cấp cao của Iran, Đức, Anh và Pháp đã gặp nhau tại thành phố Frankfurt (Đức) vào ngày 29/3 để thảo luận về các ý tưởng mới nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015.

Tại cuộc họp, Iran đã đề xuất những ý tưởng "mới, mang tính xây dựng" với hy vọng khẩn trương cứu vãn thỏa thuận hạt nhân trước khi "khe cửa hẹp của cơ hội" đóng lại.

Bên cạnh đó, một cuộc họp khác cũng đã được tổ chức vào ngày 30/3 tại Moskva giữa Iran, Nga và Trung Quốc để phối hợp lập trường chính trị.

Theo nguồn tin trên "hoạt động ngoại giao đang diễn ra và có thể tạo ra chân trời mới nhằm thu hẹp khoảng cách giữa Iran và Mỹ."

Thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt JCPOA mà Iran ký kết với các cường quốc thế giới (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức) năm 2015 nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran, đổi lại nước này sẽ được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt quốc tế.

Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã quyết định rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Để đáp trả, một năm sau đó, Iran dần dần đình chỉ việc tuân thủ hầu hết các cam kết hạt nhân quan trọng.

Chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden thể hiện rõ sự thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề hạt nhân Iran, song 2 bên vẫn tranh cãi về việc bên nào phải hành động trước.

Tổng thống Biden cam kết sẽ khôi phục JCPOA, nếu Tehran quay trở lại tuân thủ các cam kết mà nước này từng từ bỏ để trả đũa chính phủ tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, Tehran tuyên bố chỉ có thể tuân thủ đầy đủ JCPOA sau khi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục