HĐBA Liên hợp quốc lên án cuộc đảo chính ở Mali

Tuyên bố của HĐBA kêu gọi trả tự do cho tất cả các quan chức, trong đó các bộ trưởng, đang bị giam giữ trong cuộc đảo chính quân sự.
Ngày 22/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ hành động nổi loạn của các binh sỹ nhằm tiếm quyền tại Mali hôm 21/3.

Tuyên bố cũng kêu gọi trả tự do cho tất cả các quan chức, trong đó có một số bộ trưởng, đang bị giam giữ trong cuộc đảo chính quân sự này.

Tuyên bố trên được đưa ra trong một cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an về tình hình tại Mali.

Ông Mark Lyall Grant, Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc, nước đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng Ba này cho biết: "Các thành viên Hội đồng Bảo an kịch liệt lên án cuộc đảo chính bằng vũ lực của một số binh sỹ thuộc lực lượng vũ trang tại Mali nhằm lật đổ một chính phủ do dân bầu ra. Hội đồng Bảo an kêu gọi các binh sỹ này đảm bảo an toàn và an ninh cho Tổng thống Amadou Toumani Toure và nhanh chóng trở lại doanh trại của mình."

Tuyên bố kêu gọi Mali lập tức lập lại hiến pháp và chính phủ dân bầu, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, tránh bạo lực và đảm bảo tiến trình bầu cử diễn ra đúng như dự định vào tháng Tư tới.

Trong tuyên bố, Hội đồng Bảo an cũng hoan nghênh các nỗ lực của Văn phòng Tây Phi của Liên hợp quốc (UNOWA) và các đối tác quốc tế, đặc biệt là Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và các chuyên gia, đồng thời cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình tại Mali.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh cần tôn trọng chủ quyền, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Mali.

Tối cùng ngày (22/3), Ủy ban của ECOWAS đã tổ chức họp và ra tuyên bố kêu gọi các binh sỹ tham gia đảo chính ở Mali nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho chính phủ hợp pháp.

Tuyên bố của ủy ban này khẳng định, hành động của các binh sỹ tại Mali hoàn toàn đi ngược lại nội dung nghị định thư bổ sung về dân chủ và điều hành, đồng thời phá hoại nghiêm trọng các thành quả mà ECOWAS rất khó mới đạt được trong hai thập kỷ qua.

Ủy ban hy vọng, quân đội Mali sẽ có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, sự an toàn và an ninh cho tổng thống, các thành viên chính phủ và nhân dân, cũng như tôn trọng các quy định của nhà nước. ECOWAS cũng kêu gọi các tay súng vũ trang ở miền Bắc Mali tuân thủ lệnh ngừng bắn và hạ vũ khí.

Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) đã thông báo "đóng băng" khoản viện trợ phát triển cho Mali sau vụ binh biến, đồng thời kêu gọi Mali nhanh chóng tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng này để lập lại chính phủ hợp hiến nhằm bảo vệ các thành quả phát triển của đất nước và người dân Mali.

Tuy nhiên, một tuyên bố chung của hai ngân hàng trên cho biết, quyết định này không ảnh hưởng tới các khoản viện trợ khẩn cấp cho quốc gia Tây Phi này.

Theo người phát ngôn WB, ngừng viện trợ phát triển đồng nghĩa với việc ngân hàng này sẽ không thông qua bất cứ dự án hoặc chương trình phát triển mới nào cho đến khi cuộc khủng hoảng ở Mali được giải quyết. WB cũng cho biết thêm rằng, trong những năm gần đây, Mali đã đạt những tiến bộ vững chắc về kinh tế và xã hội, cũng như củng cố vai trò lãnh đạo dân chủ.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo sẽ xem lại khoản viện trợ hàng năm cho Mali trị giá gần 140 triệu USD sau vụ binh biến. Trong khi đó, Nhà Trắng ra tuyên bố kêu gọi Mali lập tức lập lại trật tự hiến pháp và chính quyền dân sự.

Tại Mali, ngày 22/3, nhóm binh sỹ nổi loạn tự xưng là "Ủy ban Khôi phục dân chủ quốc gia" (CNRDR) đã xuất hiện trên truyền hình quốc gia, tuyên bố nắm quyền điều hành đất nước và sẽ hướng tới chuyển giao quyền lực này cho chính phủ mới được bầu một cách dân chủ.

Ngoài ra, lực lượng này tuyên bố giải tán các thể chế nhà nước, đình chỉ hiến pháp hiện hành và áp đặt lệnh giới nghiêm cho đến khi có thông báo tiếp theo.

Vụ binh biến xảy ra chỉ một tháng trước khi Tổng thống Toure dự kiến sẽ rút lui sau hai nhiệm kỳ giữ chức. Ông Toure vốn là một cựu binh, từng dẫn dắt một cuộc lật đổ chế độ năm 1991 trước khi bàn giao lại quyền lực cho phe dân sự.

Ông đắc cử Tổng thống năm 2002 và được bầu lại vào năm 2007. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Toure, Mali được xem là một trong những mô hình phát triển dân chủ khá thành công trong khu vực. Tuy nhiên, vấn đề xử lý phong trào đòi độc lập của cộng đồng Tuareg lại rất nan giải.

Sự giận dữ trong quân đội đã gia tăng vài tuần gần đây khi các cuộc tấn công của người Tuareg khiến 200.000 người Mali phải rời bỏ nhà cửa. Quân đội cho rằng, chính phủ không cấp vũ khí đủ mạnh để trấn áp lực lượng này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục