Nhiều năm qua, trên địa bàn thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã có hàng chục khu mỏ khoáng sản được cấp phép cho các đơn vị khai thác.
Chính việc cấp phép tràn lan và khai thác không đúng quy định đã để lại nhiều hệ lụy đối với cuộc sống của người dân và môi trường, cảnh quan trong khu vực.
Từ Quốc lộ 20, con đường dẫn vào khu vực khai thác cao lanh (thuộc thôn 2, xã Lộc Châu) càng vào sâu càng ngập ngụa bùn đất. Phía cuối con đường vào thôn 2, những quả đồi bị bạt ngang, phần đất dưới thung lũng đào sâu hàng chục mét. Dọc hai bên đường là các điểm tập kết cao lanh cao gần bằng nửa quả đồi. Do trời mưa, cao lanh chảy ra đường đi, chảy vào vườn càphê, chảy xuống suối đục ngầu…
Một người dân sống gần một điểm tập kết cao lanh bức xúc phản ánh: “Trời nắng thì bụi mù mịt, mưa thì lầy lội khắp nơi, khổ nhất là các em học sinh đi học vào mùa mưa. Nước bẩn còn chảy vào vườn càphê, vào đất và nguồn nước của người dân.”
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà hoạt động khai thác khoáng sản với lưu lượng xe chuyên chở đi lại mỗi ngày rất lớn đã khiến nhiều con đường dân sinh hư hỏng nặng nề đồng thời những chiếc xe tải chở nặng hàng chục tấn lưu thông trên các tuyến đường liên thôn cũng là một mối đe dọa về an toàn giao thông.
Cách đây hơn một tháng, một chiếc xe tải chở cao lanh khi trên đường từ khu mỏ chạy ra Quốc lộ 20 đã đâm sập một nhà dân khiến 2 người bị thương nặng. Vụ việc đã khiến người dân càng thêm bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lộc Châu, cũng cho biết: “Việc khai thác khoáng sản trên địa bàn chủ yếu tập trung ở thôn 2 và đã gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường, làm hư hỏng đường sá, ngập úng vườn tược… của người dân trên địa bàn. Trên thực tế trong thời gian qua đã có 2,6ha chè của 14 hộ dân bị ngập úng do khai thác cao lanh nhưng vẫn chưa được đền bù thỏa đáng.”
Không chỉ người dân xã Lộc Châu bị ảnh hưởng từ việc khai thác khoáng sản mà nhiều người dân các xã khác cũng đang lâm vào cảnh tương tự.
Theo thống kê của Phòng Tài nguyên-Môi trường Bảo Lộc, hiện nay trên địa bàn thành phố đang có 20 khu mỏ của 19 đơn vị được cấp phép khai thác trên tổng diện tích 299,7ha.
Các khu mỏ này (chủ yếu là khai thác cao lanh, đất sét, đá, cát, bauxite) phần lớn nằm tập trung tại các xã Lộc Châu, Đại Lào và Đạm B’ri. Mật độ các khu mỏ tại tập trung dày đặc, thậm chí một số đơn vị được cấp phép khai thác trên diện tích chỉ khá nhỏ (chỉ từ 0,8-1,5ha) và phân bố chủ yếu ở hai xã Lộc Châu và Đại Lào.
Cũng trong thời gian qua, tại những khu vực này đã xuất hiện hàng chục trường hợp khai thác khoáng sản trái phép khiến tình hình ngày càng phức tạp.
Từ đầu năm 2011 đến nay, tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố có chiều hướng xấu đi, gây ảnh hưởng cảnh quan môi trường, hủy hoại tài nguyên đất và gây mất trật tự trong khu vực.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường Bảo Lộc cho rằng: “Việc cấp phép khai thác khoáng sản đều thực hiện đúng pháp luật nhưng trên thực tế thì cấp phép một đường, các đơn vị lại khai thác một nẻo và không thực hiện đúng với quy định.”
Trên thực tế, hàng chục đơn vị, cá nhân đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý vi phạm về hoạt động khoáng sản. Trong đó nhiều đơn vị đã bị cơ quan chức năng phát hiện sử dụng đất không đúng mục đích, không thực hiện đúng nội dung cam kết bảo vệ môi trường, không đăng ký cam kết bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản không có giấy phép… và bị xử phạt với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng tình hình vẫn chưa chấm dứt.
Trong khi người dân đã rất bức xúc thì giấy phép khai thác khoáng sản của các đơn vị vẫn còn thời hạn nhiều năm nữa, thậm chí là kéo dài 20-30 năm. Tuy nhiên, ngay cả cơ quan quản lý địa phương cũng chưa biết liệu trong tương lai khi hết thời hạn khai thác thì các đơn vị có thể hoàn nguyên môi trường lại như cũ hay không.
Chính ông Nguyễn Văn Chiến cũng cho rằng: “Nói là hoàn nguyên sau khai thác chứ thực ra là cả một vấn đề bởi họ khai thác chọc sâu vào lòng đất như thế, sau này không biết san lấp kiểu gì và trồng cây gì được”./.
Chính việc cấp phép tràn lan và khai thác không đúng quy định đã để lại nhiều hệ lụy đối với cuộc sống của người dân và môi trường, cảnh quan trong khu vực.
Từ Quốc lộ 20, con đường dẫn vào khu vực khai thác cao lanh (thuộc thôn 2, xã Lộc Châu) càng vào sâu càng ngập ngụa bùn đất. Phía cuối con đường vào thôn 2, những quả đồi bị bạt ngang, phần đất dưới thung lũng đào sâu hàng chục mét. Dọc hai bên đường là các điểm tập kết cao lanh cao gần bằng nửa quả đồi. Do trời mưa, cao lanh chảy ra đường đi, chảy vào vườn càphê, chảy xuống suối đục ngầu…
Một người dân sống gần một điểm tập kết cao lanh bức xúc phản ánh: “Trời nắng thì bụi mù mịt, mưa thì lầy lội khắp nơi, khổ nhất là các em học sinh đi học vào mùa mưa. Nước bẩn còn chảy vào vườn càphê, vào đất và nguồn nước của người dân.”
Không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà hoạt động khai thác khoáng sản với lưu lượng xe chuyên chở đi lại mỗi ngày rất lớn đã khiến nhiều con đường dân sinh hư hỏng nặng nề đồng thời những chiếc xe tải chở nặng hàng chục tấn lưu thông trên các tuyến đường liên thôn cũng là một mối đe dọa về an toàn giao thông.
Cách đây hơn một tháng, một chiếc xe tải chở cao lanh khi trên đường từ khu mỏ chạy ra Quốc lộ 20 đã đâm sập một nhà dân khiến 2 người bị thương nặng. Vụ việc đã khiến người dân càng thêm bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lộc Châu, cũng cho biết: “Việc khai thác khoáng sản trên địa bàn chủ yếu tập trung ở thôn 2 và đã gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường, làm hư hỏng đường sá, ngập úng vườn tược… của người dân trên địa bàn. Trên thực tế trong thời gian qua đã có 2,6ha chè của 14 hộ dân bị ngập úng do khai thác cao lanh nhưng vẫn chưa được đền bù thỏa đáng.”
Không chỉ người dân xã Lộc Châu bị ảnh hưởng từ việc khai thác khoáng sản mà nhiều người dân các xã khác cũng đang lâm vào cảnh tương tự.
Theo thống kê của Phòng Tài nguyên-Môi trường Bảo Lộc, hiện nay trên địa bàn thành phố đang có 20 khu mỏ của 19 đơn vị được cấp phép khai thác trên tổng diện tích 299,7ha.
Các khu mỏ này (chủ yếu là khai thác cao lanh, đất sét, đá, cát, bauxite) phần lớn nằm tập trung tại các xã Lộc Châu, Đại Lào và Đạm B’ri. Mật độ các khu mỏ tại tập trung dày đặc, thậm chí một số đơn vị được cấp phép khai thác trên diện tích chỉ khá nhỏ (chỉ từ 0,8-1,5ha) và phân bố chủ yếu ở hai xã Lộc Châu và Đại Lào.
Cũng trong thời gian qua, tại những khu vực này đã xuất hiện hàng chục trường hợp khai thác khoáng sản trái phép khiến tình hình ngày càng phức tạp.
Từ đầu năm 2011 đến nay, tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố có chiều hướng xấu đi, gây ảnh hưởng cảnh quan môi trường, hủy hoại tài nguyên đất và gây mất trật tự trong khu vực.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường Bảo Lộc cho rằng: “Việc cấp phép khai thác khoáng sản đều thực hiện đúng pháp luật nhưng trên thực tế thì cấp phép một đường, các đơn vị lại khai thác một nẻo và không thực hiện đúng với quy định.”
Trên thực tế, hàng chục đơn vị, cá nhân đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý vi phạm về hoạt động khoáng sản. Trong đó nhiều đơn vị đã bị cơ quan chức năng phát hiện sử dụng đất không đúng mục đích, không thực hiện đúng nội dung cam kết bảo vệ môi trường, không đăng ký cam kết bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản không có giấy phép… và bị xử phạt với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng tình hình vẫn chưa chấm dứt.
Trong khi người dân đã rất bức xúc thì giấy phép khai thác khoáng sản của các đơn vị vẫn còn thời hạn nhiều năm nữa, thậm chí là kéo dài 20-30 năm. Tuy nhiên, ngay cả cơ quan quản lý địa phương cũng chưa biết liệu trong tương lai khi hết thời hạn khai thác thì các đơn vị có thể hoàn nguyên môi trường lại như cũ hay không.
Chính ông Nguyễn Văn Chiến cũng cho rằng: “Nói là hoàn nguyên sau khai thác chứ thực ra là cả một vấn đề bởi họ khai thác chọc sâu vào lòng đất như thế, sau này không biết san lấp kiểu gì và trồng cây gì được”./.
Nguyễn Dũng (TTXVN)