Hệ thống tài chính của Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng lớn vì nCoV

Phó Chủ nhiệm CBIRC Chu Lương khẳng định Trung Quốc có nguồn lực dồi dào để ứng phó với tình trạng gia tăng tỷ lệ nợ xấu với các khoản vay dành cho các doanh nghiệp nhỏ đang chịu ảnh hưởng bởi nCoV.
Bệnh nhân nhiễm virus 2019-nCoV được điều trị tại một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 5/2 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
Bệnh nhân nhiễm virus 2019-nCoV được điều trị tại một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 5/2 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona mới (2019-nCoV) gây ra dù đang gây ra thiệt hại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc, nhưng toàn bộ hệ thống tài chính của nước sẽ chỉ bị ảnh hưởng cục bộ và trong ngắn hạn.

Phát biểu với báo giới hôm 7/2, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) Chu Lương khẳng định Trung Quốc có nguồn lực dồi dào để ứng phó với tình trạng gia tăng tỷ lệ nợ xấu (NPL) với các khoản vay dành cho các doanh nghiệp nhỏ đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Ông cũng lưu ý rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp tại các khu vực dịch bệnh diễn biến xấu như thành phố Vũ Hán và hoạt động trong các lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng và du lịch, sẽ phải hứng chịu những thiệt hại nghiêm trọng do bệnh dịch lần này.

Tuy nhiên, đánh giá chung, tổng giá trị các khoản nợ xấu của các doanh nghiệp này sẽ nằm trong khoảng phù hợp với tổng giá trị nợ xấu của toàn bộ hệ thống tài chính cả nước.

Theo ông Chu Lương, trong năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của các khoản vay toàn diện dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là 3,22%, giảm 1% so với năm 2018. Trong khi đó, tỷ lệ dự phòng nợ xấu trong toàn bộ hệ thống ngân hàng Trung Quốc hiện vượt 180%.

CBIRC cũng đã yêu cầu các ngân hàng và công ty bảo hiểm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ đang chịu ảnh hưởng dịch bệnh do virus 2019-nCoV.

Nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay dành cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại thành phố Vũ Hán, một số ngân hàng khác cung cấp nhiều khoản vay đặc biệt hoặc không tính lãi suất quá hạn.

Ngoài ra, các biện pháp hỗ trợ về tài chính cũng được mở rộng cho các doanh nghiệp tiên phong trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh này như các nhà sản xuất vật dụng y tế và sát trùng, những công ty nghiên cứu phát triển vắcxin ngừa bệnh.

[PBoC cam kết tăng cường hỗ trợ nền kinh tế trước tác động từ do nCoV]

Nhiều ngân hàng sẵn sàng giảm lãi suất cho vay và cung cấp hạn mức cho vay đặc biệt đối với các doanh nghiệp này. Cho đến nay, các khoản cho vay với tổng trị giá hơn 30 tỷ USD đã được cung cấp cho các doanh nghiệp diện này.

Quan chức CBIRC nhận định bệnh dịch này sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn hạn và tác động của dịch bệnh sẽ nhanh chóng phai nhạt trong bối cảnh nền kinh tế của Trung Quốc có khả năng hồi phục và ứng phó tốt với tác động trong ngắn hạn.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do nhiễm virus 2019-nCoV đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, ghi nhận số người tử vong và nhiễm bệnh tăng từng ngày.

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tính đến cuối ngày 6/2, tổng cộng có 636 ca tử vong vì virus và 31.161 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh trên khắp Trung Quốc, trong đó tỉnh Hồ Bắc là địa phương chịu tác động mạnh nhất.

Tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và lan ra nhiều quốc gia khác cũng khiến một số cơ quan tài chính thế giới như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo nguy cơ bất ổn mới. Không chỉ ngành tài chính mà nhiều ngành khác cũng lo ngại trước những tác động của dịch bệnh.

Ngày 7/2, Giám đốc điều hành nhãn hàng thời trang cao cấp Burberry Marco Gobbetti đánh giá tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đã tác động tiêu cực đến nhu cầu thời trang cao cấp tại Trung Quốc đại lục và đặc khu hành chính Hong Kong.

Theo CEO này, 24 trên tổng số 64 cửa hàng của hãng tại Trung Quốc buộc phải đóng cửa vì dịch bệnh, những cửa hàng còn lại hoạt động cầm chừng với thời gian mở cửa bị giới hạn và số lượng khách rất ít.

Dù chưa thể dự đoán khi nào tình hình dịch bệnh sẽ cải thiện nhưng ông Gobbetti vẫn đặt niềm tin vào chiến lược của hãng.

CEO Gobbetti cũng nhận định doanh số bán hàng cho khách Trung Quốc tại các thị trường châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới hiện mới chỉ chịu tác động không đáng kể nhưng trong bối cảnh các biện pháp hạn chế đi lại ngày càng được áp dụng rộng rãi có khả năng tình hình sẽ xấu đi trong vài tuần tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục