Hezbollah - từ nhóm tự phát tới lực lượng quân sự hùng mạnh

Theo trang tin Ynetnews của Israel, trải qua 40 năm, từ một nhóm dân quân nhỏ lẻ, Hezbollah phát triển thành một lực lượng vũ trang phi nhà nước lớn nhất và được trang bị đầy đủ nhất ở Trung Đông.
Hezbollah - từ nhóm tự phát tới lực lượng quân sự hùng mạnh ảnh 1Các tay súng thuộc phong trào Hezbollah và Amal trong cuộc đấu súng tại khu vực Tayouneh ở thủ đô Beirut, Liban, ngày 14/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Năm 1982, lực lượng dân quân Hezbollah ra đời với mục đích chống lại cuộc tấn công của quân đội Israel nhắm vào Liban.

Theo trang tin Ynetnews của Israel, trải qua 40 năm, từ một nhóm dân quân nhỏ lẻ, Hezbollah đã phát triển thành một lực lượng vũ trang phi nhà nước lớn nhất và được trang bị đầy đủ nhất ở khu vực Trung Đông.

Được Iran trang bị vũ trang và tài chính, Hezbollah đang chi phối nền chính trị Liban và đóng vai trò là một cánh tay đắc lực để Tehran mở rộng ảnh hưởng ra thế giới Hồi giáo.

Đại diện cho cộng đồng Hồi giáo Shi’ite, Hezbollah từng được người Hồi giáo ca ngợi vì những nỗ lực không mệt mỏi chống lại Israel. Tuy nhiên, gần đây, lực lượng này bị chỉ trích trên nhiều phương diện.

Tại đại bản doanh ở Liban, một bộ phận lớn người dân phản đối việc Hezbollah nắm quyền lực, cáo buộc lực lượng này đe dọa dùng vũ lực để ngăn cản cải cách. Ở nhiều nước khác trong khu vực, Hezbollah bị lên án khi can thiệp quân sự vào nội bộ Iraq và Syria - nơi sự tham gia của tổ chức này đã làm thay đổi cán cân quyền lực về phía quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad.

Không có ngày chính thức, các lãnh đạo của Hezbollah cho biết lực lượng này ra đời vào mùa Hè năm 1982, từ một nhóm chiến binh tự phát, sau đó phát triển dưới sự hỗ trợ của Lực lượng Cách mạng Hồi giáo Iran.

Kỷ niệm 40 năm thành lập năm nay đúng vào thời điểm các thủ lĩnh Hezbollah đang đe dọa tấn công Israel nếu cuộc đàm phán tranh chấp lãnh thổ trên biển giữa Liban và Israel không đáp ứng yêu cầu của tổ chức này. Sức mạnh quân sự của Hezbollah đã gia tăng mạnh mẽ trong những năm qua.

Tổ chức này tiết lộ có tới 100.000 tay súng, có kho tên lửa dẫn đường chính xác có thể tấn công vào bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ Israel, ngăn chặn tàu chiến trên biển Địa Trung Hải, và sở hữu các máy bay không người lái tân tiến có thể tấn công hoặc thu thập thông tin tình báo.

Chuyên gia về Trung Đông Joe Macaron nói: “Hezbollah đã phát triển mạnh mẽ trong 4 thập kỷ qua về cơ cấu tổ chức, quan hệ quốc tế và sức mạnh khu vực.”

[Hezbollah cảnh báo Israel về tranh chấp lãnh hải với Liban]

Thành tựu lớn nhất của tổ chức này là trong cuộc chiến du kích chống lại quân đội Israel trong cuộc xâm lược miền nam Liban tháng 5/2000. Khi quân đội Israel buộc phải rút lui mà không có được một thỏa thuận ngừng chiến nào giống như các cuộc xâm lược trước đó với Ai Cập, Jordan và Palestine, danh tiếng của Hezbollah "nổi như cồn" trên khắp Trung Đông.

Phát biểu tại một cuộc họp báo hồi tháng Bảy vừa qua nhân kỷ niệm 40 năm thành lập, người phát ngôn của tổ chức này là Mohammed Afif nói: “Ai có thể nghĩ rằng kẻ thù của chúng tôi sẽ bị đánh bại?.”

Tuy nhiên, kể từ khi cuộc chiến với Israel kết thúc đến nay, vai trò của Hezbollah dần thay đổi và dư luận ngày càng tranh cãi về ảnh hưởng của tổ chức này. Năm 2005, Thủ tướng Liban, Rafik Hariri - nhà lãnh đạo có uy tín nhất của nước này thuộc phe Hồi giáo Sunni tại thời điểm đó - đã bị sát hại trong một vụ đánh bom ở thủ đô Beirut. Một diễn đàn của Liên hợp quốc đã cáo buộc 3 thành viên Hezbollah thực hiện vụ này.

Nhà báo May Chidiac, một cựu thành viên nội các Liban, người từng bị mất một tay và chân trong vụ đánh bom trên, khẳng định: “Hezbollah là một mối đe dọa lớn đối với Liban.”

Bà cho rằng việc Hezbollah đại diện cho Iran mở rộng ảnh hưởng ở Liban là “một kế hoạch dài hạn đã được ấp ủ từ 40 năm trước” và “các vụ ám sát đều có liên quan tới nhau.”

Việc Hezbollah quyết tâm không giải giáp sau khi Israel rút quân khiến Liban bị chia rẽ sâu sắc. Một số ý kiến kêu gọi tổ chức này giải giáp bởi chỉ có nhà nước mới có quyền được trang bị vũ khí.

Một số ý kiến khác ủng hộ quan điểm của Hezbollah về việc tiếp tục giữ vai trò quốc phòng chống lại Israel. Trong cuộc chiến 34 ngày mùa Hè 2006, Israel đã buộc phải rút lui trước sự chống trả của Hezbollah.

Đến nay, Israel vẫn coi lực lượng này là mối đe dọa trực tiếp lớn nhất, với kho vũ khí khoảng 150.000 quả tên lửa. Đầu tháng 7/2022, quân đội Israel đã bắn hạ 3 máy bay không người lái của Hezbollah đang tiến về khu vực tranh chấp trên biển với Liban, nơi có dàn khoan khí đốt Israel mới lắp đặt.

Nhà lãnh đạo Hassan Nasrallah của Hezbollah cảnh báo sẽ không cho phép Israel thu lợi từ các mỏ khí đốt trên vùng biển đang tranh chấp, chừng nào hai bên chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Hezbollah - từ nhóm tự phát tới lực lượng quân sự hùng mạnh ảnh 2Nhà lãnh đạo Hassan Nasrallah của Hezbollah. (Nguồn: timesofisrael.com)

Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam Israel, Trung tướng Ori Gordin đánh giá Hezbollah là một “mối đe dọa nghiêm trọng” xét vị trí địa lý và kho vũ khí của tổ chức này. Ông thừa nhận: “Đây là một đội quân khủng bố rất mạnh. Hezbollah không mạnh bằng quân đội Israel, không mạnh bằng không quân Israel vì chúng tôi có một vị trí hoàn toàn khác khi xét về năng lực quân sự, nhưng tổ chức này có thể gây ra thiệt hại đáng kể.”

Trong khi đó, người phát ngôn của Hezbollah, Afif tuyên bố: “Chừng nào vẫn còn xâm lược, chừng đó còn phản kháng.”

Năm 2008, Chính phủ của Thủ tướng Fouad Saniora (Liban) thân phương Tây đã quyết định giải tán hệ thống viễn thông của Hezbollah. Tổ chức này đáp lại bằng vụ đánh chiếm các vùng lân cận thủ đô Beirut của cộng đồng Sunni, trở thành cuộc nội chiến tàn khốc nhất kể từ năm 1975-1990 tại nước này và phá vỡ cam kết của Hezbollah không dùng vũ lực ở trong nước.

Quyết định gây tranh cãi nhất của Hezbollah cho tới nay là việc đưa hàng nghìn quân tới Syria kể từ năm 2013 để hỗ trợ Tổng thống Assad chống lại các đội quân nổi dậy cũng như chống lại các tay súng có liên hệ với al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Chuyên gia Macaron nhận định việc triển khai quân “đã đưa Hezbollah sa vào một cuộc xung đột nội bộ của một quốc gia Arab láng giềng, thay vì thực hiện sứ mệnh chống lại Israel như tổ chức này vẫn tuyên bố.”

Trong mắt các nước Arab, Hezbollah đã trở thành một lực lượng vũ trang Hồi giáo Shi’ite chủ yếu để chống lại các lực lượng Hồi giáo Sunni và tiếp tay cho Iran mở rộng ảnh hưởng. Hezbollah cũng bị cáo buộc hỗ trợ các tay súng nổi dậy Houthi ở Yemen, dẫn tới việc 6 nước Arab đã liệt Hezbollah vào diện tổ chức khủng bố.

Tại Liban, Hezbollah tận dụng sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía cộng đồng Shi’ite kết hợp với các thủ đoạn chính trị để chiếm vũ đài chính trị. Năm 2016, tổ chức này đã đưa được một đồng minh Thiên chúa giáo là Michel Aoun lên làm tổng thống, tiếp theo liên minh với một số đối tác khác để chiếm đa số trong nghị viện tại các cuộc bầu cử sau đó.

Tuy nhiên, điều này cũng biến Hezbollah trở thành một phần của một thể chế chính trị tham nhũng và yếu kém trong nhiều thập kỷ, là tác nhân dẫn tới sự sụp đổ của nền kinh tế đất nước, bắt đầu từ cuối năm 2019. Đội ngũ lãnh đạo đất nước nắm quyền từ khi cuộc nội chiến kết thúc năm 1990 đến nay nhất quyết nói không với cải cách, bất chấp việc đồng nội tệ sụp đổ và đa số người dân đã rơi vào tình trạng nghèo đói.

Hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra tại Liban kể từ cuối năm 2019, yêu cầu một số nhân vật cốt cán từ chức; nhưng đồng thời cũng xuất hiện hàng trăm người thuộc phe ủng hộ Hezbollah tấn công người biểu tình ở thủ đô Beirut. Tháng 10/2021, phe ủng hộ Hezbollah và phe nổi dậy đã có cuộc chạm trán bằng súng đạn liên quan đến kết quả điều tra năm 2020 về vụ nổ tàn phá tại cảng Beirut. Tại cuộc bầu cử năm nay, các cử tri Liban đã bày tỏ thái độ, khiến Hezbollah mất vị thế kiểm soát tại nghị viện.

Tuy nhiên, phát biểu tại một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình địa phương, Sobhi Tufaili - một cựu lãnh đạo cấp cao của Hezbollah - đã chỉ tay vào một tấm ảnh mới của tổ chức này và khẳng định: “Con thuyền đầy rẫy kẻ cướp, và Hezbollah là thuyền trưởng, là người bảo vệ nó”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục