Hiệp định CPTPP: Sẽ có thêm tổ chức cạnh tranh với công đoàn

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận sự ra đời của tổ chức đại diện người lao động mới sẽ khiến công đoàn Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn.
Hiệp định CPTPP: Sẽ có thêm tổ chức cạnh tranh với công đoàn ảnh 1Cán bộ công đoàn tư vấn pháp luật lao động cho công nhân. (Ảnh minh hoạ: Minh Nghĩa/TTXVN)

Ngày 5/11, thảo luận tại hội trường về Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất ủng hộ Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, nhiều đại biểu còn bày tỏ sự băn khoăn về việc tuân thủ các điều kiện về lao động của CPTPP.

[Hiệp định CPTPP: Chủ động theo phương châm 'dĩ bất biến, ứng vạn biến']

Giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, Hiệp định CPTPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chủ yếu khẳng định các tiêu chuẩn lao động đã nêu trong tuyên bố năm 1998 của ILO mà Việt Nam là thành viên ILO có nghĩa vụ tôn trọng và thực thi. Trong điều khoản về lao động cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

“Quy định ILO cũng khẳng định tất cả tổ chức của người lao động phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước sở tại, phù hợp với tôn chỉ mục đích, phương thức hoạt động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Các tổ chức của người lao động không được thực hiện các hoạt động có khả năng xâm hại tới trật tự an ninh và không được hoạt động ngoài tôn chỉ mục đích điều lệ đã được đăng ký,” Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

Về việc thành lập tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp, đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cho biết, trong dự thảo Bộ Luật Lao động, Chính phủ cũng đang dự kiến cho thành lập tổ chức đại diện người lao động bên cạnh tổ chức công đoàn. Đây là một tổ chức không mang màu sắc chính trị, chủ yếu bảo vệ quyền lợi hợp pháp về quan hệ lao động và không có các hành động khác liên quan đến chính trị.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: “Đây cũng thách thức nhưng cũng là cơ hội đối với tổ chức công đoàn.”

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận sự ra đời của tổ chức đại diện người lao động bên cạnh tổ chức công đoàn khiến công đoàn Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn, chưa có tiền lệ.

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, sau khi các điều khoản về lao động có hiệu lực, tổ chức công đoàn Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với tổ chức đại diện người lao động về thu hút, tập hợp, kết nạp đoàn viên, về thành lập tổ chức ở cơ sở và chia sẻ nguồn lực về tài chính.

Hiệp định CPTPP: Sẽ có thêm tổ chức cạnh tranh với công đoàn ảnh 2Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Trong khi tổ chức công đoàn Việt Nam đồng thời phải thực hiện chức năng của đoàn thể chính trị trong hệ thống chính trị Việt Nam thì tổ chức khác chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo quyền và lợi ích của người lao động. Bên cạnh đó, sẽ phát sinh không ít những khó khăn trong việc triển khai các quy định của pháp luật về đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, lãnh đạo và tổ chức đình công…

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu khẳng định: “Thách thức là vậy nhưng vì lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, Công đoàn Việt Nam sẵn sàng chấp nhận, vượt qua thách thức, coi đây là cơ hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của tổ chức mình…”

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng, trong thời gian qua, công đoàn Việt Nam đang đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả, khắc phục bệnh hành chính, tư duy bao cấp trong hoạt động hướng tới việc thực hiện nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức công đoàn, là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho biết thêm: "Các nước không trừng phạt thương mại Việt Nam trong 3 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực cho tất cả các nhiệm vụ của chương lao động, sau 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực cho các nhiệm vụ liên quan đến tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể và thêm 2 năm nếu các nước đồng ý xem xét lại, chúng ta cũng không bị trừng phạt về thương mại.”

Theo kết quả rà soát của Chính phủ, để thực hiện cam kết về lao động trong CPTPP, Việt Nam sẽ sửa Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, Luật Công đoàn cũng có liên hệ nhất định, đo đó, sau khi Quốc thông qua hiệp định CPTPP, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát và sửa đổi Luật Công đoàn nếu cần thiết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục