Hoàn thiện các văn bản pháp luật chống hàng giả

Trong thời gian tới, tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật về chống hàng giả để tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh.
Trong 10 năm qua, các văn bản pháp luật về hàng giả đã góp phần tạo dựng cơ sở pháp lý cho công tác đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật  cần tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống hàng giả trong tình hình mới.

Ngày 6/9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 31/1999/CT-TTg và hai năm thực hiện Chỉ thị 28/2008/CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả các tỉnh phía Bắc do Ban chỉ đạo 127 Trung ương tổ chức.

Hội nghị đã đề ra định hướng giải pháp phòng và chống làm hàng giả giai đoạn 2010-2015 là: Nâng cao nhận thức người tiêu dùng, doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình; Rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng; Tăng cường sự phối hợp và hợp tác giữa các tổ chức thực thi và các hiệp hội, doanh nghiệp trong việc chống hàng giả xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng…

Theo báo cáo của ban chỉ đạo, trong 10 năm qua, các văn bản pháp luật về hàng giả đã góp phần tạo dựng cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, thu hút đầu tư, bảo vệ người tiêu dùng, từng bước tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh.

Tuy nhiên, các văn bản pháp luật về hàng giả còn tồn tại những bất cập, hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống hàng giả trong tình hình mới.

Trong 10 năm qua, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý hơn 102.000 vụ làm hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 124 tỷ đồng.

Lực lượng hải quan cả nước đã xử lý gần 200 vụ xuất nhập khẩu hàng giả hoặc hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Lực lượng cảnh sát kinh tế đưa ra xử lý hình sự hơn 460 vụ và khởi tố trên 550 đối tượng…

Ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho rằng, nguyên nhân của các vi phạm về sản xuất hàng giả, buôn bán hàng giả ở Việt Nam trong thời gian qua là do  sự sơ hở và thiếu sót trong cơ chế quản lý kinh tế, sự yếu kém của cơ quan bảo vệ pháp luật...

Cũng theo ông Nguyễn Hùng Dũng, tình hình sản xuất và buôn bán hàng giả đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và quyết tâm của các doanh nghiệp chân chính muốn phát triển bằng con đường lành mạnh (do làm giảm trực tiếp doanh thu và lợi tức của doanh nghiệp, làm giảm uy tín của hàng hóa chính hiệu dẫn đến làm giảm sức tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước và ở thị trường nước ngoài và cuối cùng có thể dẫn dến tự hạ thấp hoặc triệt tiêu một nhãn hiệu).

Đối với người tiêu dùng hàng giả hàng nhái cũng làm thiệt hại đến quyền lợi của họ là phải trả nhiều tiền để mua phải sản phẩm giả với chức năng sử dụng kém và chất lượng thấp.

Đối với quan hệ kinh tế quốc tế, nạn làm hàng giả, hàng nhái sẽ làm giảm sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài./.

Thùy Dương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục