Hoàn thiện hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà là Di sản Thế giới

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương đề xuất ghi tên vào danh sách Di sản Thế giới thẩm định các dự án trong khu vực của di sản, đảm bảo tránh nguy cơ ảnh hưởng đến giá trị của di sản.
Hoàn thiện hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà là Di sản Thế giới ảnh 1Làng chài Cái Bèo ở Cát Bà. (Nguồn: Vietnam+)

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 4877/VPCP-KGVX ngày 3/7/2023 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về khuyến nghị của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) đối với Hồ sơ Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh Di sản Thế giới.

Cụ thể, xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Công văn số 2306/BVHTTDL-DSVH ngày 12/6/2023 về các khuyến nghị của IUCN đối với Hồ sơ Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà đề nghị UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh khẩn trương nghiên cứu các khuyến nghị của IUCN để rà soát, cập nhật hồ sơ đề cử di sản và có báo cáo giải trình phù hợp; gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh hoàn thiện các báo cáo giải trình và bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề cử theo quy định; kịp thời gửi tới IUCN bảo đảm không ảnh hưởng tới kế hoạch, tiến độ xem xét, đánh giá của Ủy ban Di sản Thế giới.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương có di sản thế giới trong việc đề xuất, lập, thẩm định các dự án trong khu vực di sản thời gian tới, bảo đảm tránh nguy cơ ảnh hưởng tới giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới đã được UNESCO ghi danh, đúng quy định của pháp luật Việt Nam và Hướng dẫn thực hiện Công ước 1972.

[Quần đảo Cát Bà - điểm du lịch xanh hấp dẫn của Hải Phòng]

Quần đảo Cát Bà đã được xếp hạng Danh lam Thắng cảnh Quốc gia Đặc biệt vào năm 2013.
Quần đảo Cát Bà là quần thể gồm hơn 360 đảo trong đó có đảo Cát Bà ở phía Nam vịnh Hạ Long, ngoài khơi thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 30km, cách thành phố Hạ Long khoảng 25km.

Quần đảo Cát Bà chính thức được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới từ ngày 19/12/2004.

Khu Dự trữ Sinh quyển Cát Bà trải rộng trên tổng diện tích 26.240ha, cách thành phố Hải Phòng 30 hải lý; được nối tiếp từ Vịnh Hạ Long tạo thành một quần thể đảo-vịnh kỳ thú. Vườn Quốc gia Cát Bà là hạt nhân của khu sinh quyển, với 9.800ha rừng và 4.200ha biển.

Các giá trị bảo tồn của Khu Dự trữ Sinh quyển Cát Bà được chia thành các vùng chức năng, gồm không gian bảo vệ nghiêm ngặt - vùng lõi, không gian được bảo vệ có hạn định - vùng đệm, không gian hỗ trợ và khuyến khích phát triển cộng đồng - vùng chuyển tiếp.

Khu Dự trữ Sinh quyển Cát Bà được phân bố chủ yếu trên đảo đá vôi Cát Bà và khoảng 400 hòn đảo nhỏ xung quanh, nơi còn lưu giữ hơn 70 di chỉ khảo cổ học thuộc các nền văn hóa Sơn Vi, Soi Nhụn cách đây từ 4.000-25.000 năm. Tiêu biểu trong số này là khu di chỉ Cái Bèo, nơi cư ngụ của người nguyên thủy cách đây 4.000-7.000 năm.

Có thể nói Cát Bà là trung tâm đa dạng sinh học lớn của Việt Nam. Theo điều tra bước đầu, nơi đây có 620 loài thực vật bậc cao phân bố thuộc 438 chi và 123 họ, trong đó có những loài mà hiện nay chỉ tìm thấy ở Cát Bà như kim giao, lát khối, sến mật, lát hoa, re hương, thổ phục linh...

Hệ sinh thái rừng ở Cát Bà rất phong phú bao gồm rừng nhiệt đới thường xanh mùa mưa ở đai thấp; nhiều kiểu phụ rừng như rừng trên sườn núi đá vôi, rừng trên đỉnh, rừng kim giao, rừng ngập nước trên núi và rừng ngập mặn.

Trên đảo Cát Bà có 32 loài thú, 69 loài chim và 20 loài bò sát, lưỡng cư. Nhiều loài được xác định đặc biệt quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Thế giới như voọc đầu trắng, sơn dương, rái cá, báo, mèo rừng, cầy hương, sóc đen. Đặc biệt, voọc đầu trắng (Trachypithecus francoisi polyocephalus) là loài đặc hữu ở Cát Bà.

Bên cạnh thú, nhiều loài chim quý cũng được ghi nhận như chim sâm cầm, khướu, chim cu xanh, cu gáy... Biển Cát Bà có 300 loài cá, 500 loài thân mềm và giáp xác, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học cao.

Hoàn thiện hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà là Di sản Thế giới ảnh 2Một góc Cát Bà. (Nguồn: Vietnam+)

Việc đề cử Quần đảo Cát Bà là Di sản Thế giới nhằm gìn giữ, bảo tồn, duy trì giá trị đặc hữu về đa dạng sinh học cho các thế hệ mai sau, đồng thời giúp chúng ta nhận thức rõ Quần đảo Cát Bà là quà tặng vô giá của thiên nhiên cho con người, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.

Quần đảo Cát Bà trở thành Di sản Thế giới cũng đồng thời được kỳ vọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Cát Bà, quảng bá và nâng cao hình ảnh, vị thế đất nước, thu hút các lĩnh vực đầu tư kinh tế sinh thái.

Trong khi đó, Vịnh Hạ Long ở tỉnh Quảng Ninh là một trong những thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng nhất Đông Nam Á và là một trong những địa điểm đẹp nhất Việt Nam.

Địa danh này được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần đầu vào năm 1994 và lần thứ hai vào năm 2020.

Vịnh Hạ Long cuốn hút du khách với hàng trăm đảo đá vôi và đảo phiến thạch mang những hình thù riêng, không đảo nào giống đảo nào. Có chỗ đảo quần tụ lại nhìn xa ngỡ chồng chất lên nhau, có chỗ đảo đứng dọc ngang xen kẽ nhau, tạo thành tuyến chạy dài hàng chục km như một bức tường thành.

Các hòn đảo được nhiều du khách ghé thăm có hòn Đầu Người, hòn Rồng, hòn Lã Vọng, hòn Cánh Buồm, hòn Gà Chọi, hòn Lư Hương…

Tiềm ẩn trong lòng các đảo đá ấy là những hang động quyến rũ tuyệt đẹp gắn với nhiều truyền thuyết thần kỳ như động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt, hang Trinh Nữ, động Tam Cung…

Đầu tháng 7/2023, Tạp chí Du lịch danh tiếng Wanderlust của Anh đã chọn ra danh sách 16 Di sản UNESCO ấn tượng nhất ở khu vực Đông Nam Á, trong đó Vịnh Hạ Long nằm ở vị trí đầu tiên trong danh sách này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục