Di sản nghi lễ Chầu văn

Hoàn thiện hồ sơ đề nghị nghi lễ Chầu văn là di sản

Nghi lễ Chầu văn của người Việt hiện đang được hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Tối 27/2, tại thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đã diễn ra lễ bế mạc Liên hoan toàn quốc khảo sát nghi lễ Chầu văn của người Việt.

Đây là hoạt động do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và Ủy ban Nhân dân thị xã Sầm Sơn phối hợp tổ chức với mục đích khảo sát làm căn cứ để hoàn thiện hồ sơ khoa học, tiến tới trình UNESCO công nhận Chầu văn là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tham dự liên hoan có 16 thanh đồng được lựa chọn từ 11 tỉnh, thành phố trong cả nước có hoạt động diễn xướng Chầu văn tiêu biểu như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Đồng Nai, Hà Nội, Bình Phước...

Theo quy chế của Liên hoan, mỗi thanh đồng sẽ diễn xướng 5 giá đồng tự chọn với đội cung văn UNESCO và đội múa phụ họa. Tất cả các tiết mục diễn xướng tại Liên hoan sẽ được đoàn cán bộ của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam khảo sát làm căn cứ để làm hồ sơ khoa học, tiến tới trình UNESCO công nhận Chầu văn là văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Việc tổ chức Liên hoan vừa để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của nhân dân, vừa để bảo tồn và phát huy một di sản văn hóa dân gian, văn hóa tín ngưỡng đậm đà bản sắc dân tộc.

Diễn xướng Chầu văn là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo).

Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, Chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh. Hát Chầu văn bao gồm bốn hình thức biểu diễn là hát thờ, hát thi, hát hầu và hát văn nơi cửa đền.

Nghi lễ Chầu văn của người Việt đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.

Hoa Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục