Hoạt động tình nguyện cần một sự kết nối

Các tổ chức tình nguyện ở Việt Nam đang ngày càng đa dạng về loại hình tổ chức và cách thức hoạt động, mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho xã hội.

Các tổ chức tình nguyện ở Việt Nam đang ngày càng đa dạng về loại hình tổ chức và cách thức hoạt động, mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho xã hội.

Tại hội thảo khởi động dự án “Tăng cường năng lực hoạt động tình nguyện vì sự phát triển của Việt Nam” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức hôm qua (23/4), các ý kiến đại biểu trong và ngoài nước đều khẳng định: để nâng cao năng lực và hiệu quả tình nguyện, cần phải gắn kết các tổ chức này cũng như giữa những tình nguyện viên và cơ sở tình nguyện.

Người người tình nguyện

“Trong một thập kỷ qua, có thể nói, Đoàn Thanh niên đã tổ chức thành công hoạt động tình nguyện. Đặc biệt trong dịp hè để huy động thanh niên về giúp đỡ cộng đồng, giải quyết các vấn đề của xã hội”, ông Trần Thư, Giám đốc Trung tâm Thông tin tư liệu Trung ương Đoàn khẳng định.

Theo anh Nguyễn Thanh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Thừa Thiên-Huế, hiện nay tỉnh này có trên 100 nhóm hoạt động tuyên truyền giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó là các nhóm tình nguyện phục vụ cho các sự kiện văn hóa lớn của cả nước, đặc biệt là Festival diễn ra hai năm một lần.

Anh Nguyễn Thanh Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh, thì cho biết từ hoạt động xóa mù chữ của một cơ sở Đoàn trường đại học, đối tượng là sinh viên nay đã trở thành mô hình tình nguyện thu hút thanh niên thành phố mang tên Bác tham gia, hoạt động rất mạnh mẽ.

Những hoạt động tình nguyện công tác xã hội thường xuyên thu hút đông đảo thanh niên tham gia là chăm lo cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo, gia đình chính sách; đội hình phản ứng nhanh, đội hình tham vấn phòng chống ma túy, HIV- AIDS; hoạt động “Ngày thứ 7 tình nguyện” đến vùng sâu, vùng xa; hoạt động hiến máu tình nguyện…

Thành đoàn thành phố còn có những chiến dịch: Chiến dịch mùa hè xanh, tiếp sức mùa thi, “xuân tình nguyện” chia sẻ với những hoàn cảnh trẻ em nghèo, mồ côi, người già neo đơn… Từ những năm 1995 - 1996, hoạt động tình nguyện thông qua các dự án tri thức trẻ như: “Đưa bác sĩ về làng”, thanh niên sau khi tốt nghiệp ra xây dựng Côn Đảo … đến nay, sức lan tỏa, hấp dẫn thanh niên vẫn còn nguyên vẹn.

Không chỉ Đoàn Thanh niên, nhiều tổ chức xã hội cũng có mạng lưới tình nguyện viên. Theo ông Đoàn Văn Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, hiện nay Hội đang có khoảng 300.000 tình nguyện viên Chữ thập đỏ.

Bên cạnh các hoạt động tình nguyện theo tổ chức và đoàn thể trên, hiện nay còn có rất nhiều nhóm tình nguyện tập hợp được rất đông đảo thanh niên tham gia hoạt động chủ yếu các lĩnh vực: Tình nguyện vì môi trường như: C4E, Go Green, TCG…, tình nguyện làm công tác xã hội như “Vì người nghèo”, “Ngàn hạc giấy”, “Vì cộng đồng”, “Vòng tròn sống”… Đa số những tổ chức này đều tận dụng internet để tập hợp tình nguyện viên và để triển khai công việc.

Muốn hiệu quả, phải tập hợp

Theo ông Đoàn Văn Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, hoạt động tình nguyện hiện nay còn theo mùa, theo đợt. Thời gian tới, cần cố gắng khắc phục tình trạng này. Muốn làm được điều đó, Đoàn Thanh niên và các tổ chức khác cần cố gắng chỉ đạo hoạt động tình nguyện tại chỗ.

Hiện nay có một thực tế, mỗi mùa hè đến, bà con vùng sâu, vùng xa luôn mong ngóng thanh niên tình nguyện, vậy thì cũng cần nhìn lại xem bản thân thanh niên tình nguyện tại địa phương đã tình nguyện hay chưa? Nên hình thành hoạt động tình nguyện mang tính tổng hợp và quy mô như Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Thái cho biết: “Hoạt động của Hội còn nhiều lúng túng, khó khăn. Đôi khi, chúng tôi hăng hái cử tình nguyện viên xuống cộng đồng nhưng lại chưa hiểu hết nhu cầu của cộng đồng. Đó là do quá trình tìm hiểu, khảo sát đánh giá nhu cầu của địa phương trước khi đi tình nguyện chưa tốt".

Là một cán bộ của tổ chức tình nguyện Liên hợp quốc, bà Sandra Veloso nhận định ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều tiềm năng để phát triển tình nguyện. Các bộ, ngành, các tổ chức xã hội dân sự đều có tình nguyện viên, các nhóm tình nguyện nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, có thêm đội ngũ các tình nguyện viên quốc tế… Nhưng các tổ chức này còn hoạt động rất rời rạc với nhau, còn tình trạng nhiều nhóm cùng làm một lĩnh vực. Chính vì thế, phải có một hệ thống kết nối để họ hỗ trợ nhau tốt hơn.

Một website của Trung tâm Thông tin tình nguyện thân thiện và tương tác đang là kết quả được mong đợi của dự án “Tăng cường năng lực hoạt động tình nguyện vì sự phát triển của Việt Nam”. “Chúng tôi đã học tập các tổ chức tình nguyện quốc tế và chúng tôi cũng đã tham khảo tài liệu của 9 tổ chức tình nguyện quốc tế. Chúng tôi kỳ vọng đây là một thư viện điện tử nhỏ để tại đây sẽ tập hợp các tình nguyện viên Việt Nam cũng như trên thế giới cũng như các tổ chức tình nguyện”, ông Trần Thư- Giám đốc Trung tâm Thông tin tư liệu Trung ương Đoàn- Phó Quản đốc dự án cho biết.

Theo ông Thư, website này sẽ là nơi nghe tiếng nói của các lực lượng cần cung ứng. "Chúng ta sẽ cung cấp đúng đối tượng, đến được đúng địa chỉ. Chúng ta không có một sự ngỡ ngàng nào trước khi đi nhận nhiệm vụ tình nguyện tại cộng đồng. Làm được như thế, việc tình nguyện sẽ đỡ tốn kém cho người tình nguyện cũng như cho cơ quan tiếp nhận tình nguyện và nâng cao hiệu quả tình nguyện", ông Thư nói.

Khi cổng thông tin ra đời, đây không chỉ là nơi mọi người chỉ để khai thác mà phải chia sẻ thông tin ở đơn vị mình, về bản thân mình mà phải là thông tin hai chiều. Cổng thông tin này sẽ là nơi để “cung - tình nguyện” gặp nhau.
 

 
(Tin tức/Vietnam+) 

Tin cùng chuyên mục