Hôm nay, Quốc hội bàn thảo nhiều nội dung quan trọng của Luật BHXH (sửa đổi)

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và vừa được trình lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách (ngày 27/3/2024).

Hôm nay, Quốc hội sẽ bàn thảo nhiều nội dung quan trọng của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN)
Hôm nay, Quốc hội sẽ bàn thảo nhiều nội dung quan trọng của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN)

Mở đầu tuần làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 7 (diễn ra từ ngày 27-31/5), Quốc hội khóa XV, hôm nay (27/5) Quốc hội sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng trên nghị trường.

Theo chương trình làm việc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Chương trình nghị sự ngày hôm nay sẽ được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Trước đó, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 20/11/2014. Sau gần 7 năm thi hành (kể từ ngày Luật có hiệu lực 01/01/2016 đến nay), Luật đã góp phần tích cực trong việc bảo đảm các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động thông qua các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn cũng như dài hạn.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập như: Diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng Bảo hiểm xã hội trên thực tế còn thấp so với tiềm năng; tính tuân thủ pháp luật về Bảo hiểm xã hội còn chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội còn xảy ra ở nhiều địa phương, doanh nghiệp; chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia; một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay; tỉ lệ người hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hằng tháng chỉ chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu; đặc biệt là tỷ lệ người hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội một lần tăng nhanh trong các năm gần đây…

Đặc biệt, khi nảy sinh tình huống mới, nhất là hậu COVID-19 thì nhiều nội dung không còn phù hợp. Việc Quốc hội quyết định sửa đổi Luật là một yêu cầu thiết thực, tất yếu.

Sau một năm, tính từ ngày 06/7/2022 khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 799/QĐ-TTg phân công cơ quan chủ trì soạn thảo đến nay, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình lên Quốc hội với bộ tài liệu gồm dự thảo Luật và các văn bản khác tương đối đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và vừa được trình lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách (ngày 27/3/2024)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục