Họp báo quốc tế lần thứ 5 về tình hình Biển Đông

Vào lúc 17 giờ chiều nay, 16/6, Bộ Ngoại giao sẽ bắt đầu buổi họp báo quốc tế lần thứ 5 để tiếp tục cung cấp thông tin cho truyền thông trong và ngoài nước về tình hình Biển Đông thời gian qua.
 Họp báo quốc tế lần thứ 5 về tình hình Biển Đông ảnh 1 (Ảnh: Công Định-Hữu Trung/TTXVN)

Buổi họp báo quốc tế do Bộ Ngoại giao tổ chức sẽ bắt đầu lúc 17 giờ chiều nay, 16/6, tại Hà Nội.

Đây là lần thứ 5 Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tại các cuộc họp báo trước đó, quan điểm nhất quán của Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn nhấn mạnh: Khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) và các tàu bảo vệ của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền, chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) và các thỏa thuận có liên quan khác giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Trong các cuộc họp báo, đại diện các Cục Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã đưa ra những hình ảnh, video… chứng minh cho hành động hung hăng và ngang ngược của các tàu bảo vệ Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Vietnam+ cập nhật trực tiếp thông tin về diễn biến buổi họp báo.

Đúng 17 giờ, Ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao bắt đầu phiên họp báo.

Trong những ngày qua trung quốc vẫn duy trì hoạt động trái phép trong vùng đạc quyền kinh tế Việt Nam bất chấp Việt Nam đã kiên trì, bất chấp tinh thần, tiếng nói phản đối mạnh mẽ.

Trung Quốc tiếp tục hung hăng, cố tình phun nước cường độ mạnh đe dọa, đồng thời đánh đập ngư dân, đâm chìm tàu Việt Nam hoạt động bình thường ở biển Đông. Bên cạnh hoạt động trái phép hung hăng đó, Trung Quốc liên tục đưa ra luận điệu sai trái về những căng thẳng hiện nay.

Trong các ngày 8-9/6, Trung Quốc cho công bố tài liệu tiêu đề tác nghiệp ở giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981), sự khiêu khích của Việt Nam và đề nghị Liên hiệp quốc lưu hành. 13/6, đại diện Trung Quốc cho họp báo và nêu những luận điệu sai trái và vô căn cứ về tình hình trên biển.

Trong bối cảnh đó, chúng tôi tổ chức họp báo để tố cáo luận điêu sai trái của Trung Quốc và thông tin thực tiễn hiện nay.

17 giờ 5 phút: Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới Quốc gia cho biết thời gian gần đây, Trung Quốc gia tăng căng thẳng trên biển Đông.

Vào đầu tháng 5, Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Giàn khoan này được dịch chuyển nhưng vẫn nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam Hành động này đã xâm phạm quyền, chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, công ước quốc tế. Trước sau như một, Việt Nam phản đối.

Trung Quốc đã nhiều lần khảo sát, thăm dò địa chấn, Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp và trao công hàm phản đối, trong đó có ít nhất 3 cuộc giao thiệp cấp cao. Phát biểu với báo chí, Trung Quốc lớn tiếng đổ vạ cho Việt Nam, cho rằng tàu Việt Nam đã đâm va thậm chí đâm chìm tàu Trung Quốc. Thực tế như nào mọi người đều rõ, trong đó có các nhà báo đã thực địa.

Quan điểm của Việt Nam: Việt Nam bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa vì không có cơ sở. Tư liệu lịch sử không có nguồn gốc chính xác, đều là của các cá nhân, không phải của nhà nước, suy diễn tùy tiện. Thực thi chủ quyền theo danh nghĩa nhà nước, các tài liệu đã không chứng tỏ nhà nước phong kiến Trung Quốc đã thiết lập chủ quyền với Hoàng Sa.

“Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa” - ông Trần Duy Hải nhấn mạnh.

 Họp báo quốc tế lần thứ 5 về tình hình Biển Đông ảnh 2Ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao phát biểu bắt đầu phiên họp báo. (Ảnh: Bách-Dũng/Vietnam+)

17 giờ 15 phút, hai phóng sự về các bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa đã được trình chiếu.

 Họp báo quốc tế lần thứ 5 về tình hình Biển Đông ảnh 3Những nhà báo có mặt tại phiên họp báo quan sát clip tiếng Anh về bằng chứng chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa. (Ảnh: Bách-Dũng/Vietnam+)
 Họp báo quốc tế lần thứ 5 về tình hình Biển Đông ảnh 4Phóng viên quốc tế chăm chú theo dõi tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa. (Ảnh: Bách-Dũng/Vietnam+)

"Còn rất nhiều tài liệu liên quan khác” - ông Trần Duy Hải nhấn mạnh.

Việt Nam đang nỗ lực và thiện chí giải quyết căng thẳng hiện nay trên Biển Đông thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình nhưng Trung Quốc đã không thể hiện thiện chí, ông Hải nhấn mạnh.

Việt Nam đã tiến hành hơn 30 lần tiếp xúc với Trung Quốc nhưng Trung Quốc đã từ chối.

Trung Quốc đã không đưa ra được các cáo buộc nào về việc Việt Nam đâm, va tàu Trung Quốc.

Một lần nữa Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, rút giàn khoan và các phương tiện về và không tái diễn các hành động tương tự trong tương lai.

Trung Quốc khăng khăng không rút giàn khoan. Việc Trung Quốc nói cánh cửa đàm phán rộng mở là không đúng thực tế.

17 giờ 28 phút: Ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình bày hoạt động thăm dò hợp pháp của Việt Nam trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ông Thập cho biết: Trong hơn 40 năm qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã triển khai thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trong đó có Hoàng Sa. Tập đoàn dầu khí Quốc gia đã, đang và sẽ tiếp tục hợp tác với nhiều công ty dầu khí quốc tế để khai thác trên toàn bộ vùng thềm lục địa Việt Nam.

Ông Thập cũng cho hay, hiện Việt Nam đã ký hơn 100 hợp đồng khai thác dầu khí với các công ty quốc tế, trong đó 61 hợp đồng còn có hiệu lực.

“Tất cả hoạt động nói trên đều nằm trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam,” ông Thập nhấn mạnh.

 Họp báo quốc tế lần thứ 5 về tình hình Biển Đông ảnh 5Buổi họp báo nhận được rất nhiều sự quan tâm. (Ảnh: Bách-Dũng/Vietnam+)

"Tập đoàn dầu khí Việt Nam tiếp tục khẳng định Trung Quốc dựa vào đường lưỡi bò phi lý để nói 57 lô dầu khí của Việt Nam trong vùng tranh chấp là hoàn toàn không có cơ sở. Trung Quốc cố tình biến những vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp, thực tế những khu vực này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam một lần nữa cực lực phản đối hành động dầu khí sai trái của Trung Quốc. Chúng tôi têu cầu tập đoàn dầu khí Trung Quốc rút ngay giàn khoan ra khỏi đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Việt Nam. Chúng tôi cũng yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt hoạt động tương tự trong tương lai" - ông Nguyễn Quốc Thập nhấn mạnh.

17 giờ 42 phút: Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục thông báo những diễn biến trên thực địa.

Theo Phó Tư Lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, vào ngày 15/6 vừa qua, Trung Quốc đã sử dụng 110 lươt chiếc tàu bảo vệ giàn khoan, trong đó có 6 tàu chiến gồm: 2 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu tên lửa tấn công nhanh, 2 tàu quét mìn, 34 tàu hải cảnh, 2 hải giảm, 2 hải tuần, còn lại là tàu cá các loại. Cũng trong cùng ngày, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam phát hiện 2 lượt máy bay, bay nhiều vòng trên các tàu của Việt Nam ở khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan với độ cao 300-500m. Ngoài ra, khi các tàu thực hiện pháp luật của Việt Nam tiến gần khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) từ 8,2-10 hải lý, Trung Quốc đã sử dụng 16 tàu hải cảnh và tàu kéo tiến hành ngăn cản.

Về phương thức hoạt động, ông Thu cho hay, các tàu Trung Quốc vẫn được chia làm 3 vòng để bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) được hạ đặt trái phép.

Cụ thể, vòng trong cách giàn khoan Hải Dương-981 từ 1-1,5 hải lý có 10-15 tàu bảo vệ; vòng giữa cách giàn khoan Hải Dương-981(Haiyang Shiyou-981) từ 4,5-5 hải lý được 40-45 tàu bảo vệ. Riêng vòng ngoài cùng cách giàn khoan Hải Dương-981(Haiyang Shiyou-981)  từ 10-12 hải lý có 25-35 tàu bảo vệ.

“Trung Quốc cũng luôn có 9-12 tàu bám sát các tàu Việt Nam, sẵn sang ngăn cản, đâm va ở khoảng cách 10-12 hải lý so với giàn khoan,” ông Ngô Ngọc Thu nhấn mạnh.

Khi các tàu chấp pháp Việt Nam tiến sâu vào khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) để tuyên truyền, các tàu Trung Quốc sẽ chặn đầu, khóa đuôi và ép mạn sẵn sàn đâm va, dùng súng bắn nước công suất lớn và hệ thống âm thanh âm tần, đèn pha công suất lớn hướng vào tàu Việt Nam.

Tàu Trung Quốc sẵn sàng sử dụng súng phun nước và đâm và vào tàu thực thi pháp luật Việt Nam. Ngoài ra Trung Quốc hú còi, bật đèn pha gây tâm lý không ổn định với thuyền viên Việt Nam. Tàu cá Trung Quốc có 40-45 chiếc chia thành 2 tốp ngăn tàu cá Việt Nam ở khu vực 30-40 hải lý khu vực Tây Nam và Tây Tây Nam.

“Hiện chúng tôi vẫn bám trụ hiện trường mặc dù sóng lớn tiến hành đấu tranh với hành động vi phạm pháp luật của tàu Trung Quốc,” ông Thu nhấn mạnh.

Cũng theo ông, ngày 13/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc họp báo về giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981)  trong đó đưa ra một số thông tin, hình ảnh sai lệch với thực tế hiện trường. Chúng tôi xin làm rõ trước công luận như sau: Trung Quốc công bố tới ngày 13/6, các tàu Việt Nam đã đâm húc 1547 lần vào tàu Trung Quốc làm tàu Trung Quốc hư hỏng, chúng tôi bác bỏ thông tin sai lệch phi lý trên. Chỉ có Trung Quốc chủ động đâm va Việt Nam làm nhiều tàu Việt Nam hư hỏng. Hiện đã có 15 kiểm ngư viên và một số ngư dân bị thương. Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng hình ảnh về việc tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam. Xin khẳng định tới thời điểm này Việt Nam ko hề sử dụng lực lượng người nhái tại hiện trường, Về một số vật trôi nổi Trung Quốc vớt được, nguyên nhân đây là khu vực đánh cá truyền thống Việt Nam. Ngư dân Việt Nam đánh bắt cá thì Trung Quốc ngăn cản nên Việt Nam buộc phải bỏ lưới tránh sự truy cản đó. Tàu Trung Quốc thu lưới của Việt Nam rồi đưa về làm bằng chứng.

“Trung Quốc khẳng định không đưa tàu chiến và máy bay đến hiện trường, nhưng chúng tôi đã ghi lại đầy đủ số hiệu tàu máy bay tại thực địa. Đó là những bằng chứng không thể chối cãi,” ông Ngô Ngọc Thu nói.

Mặc dù các tàu bảo vệ của Trung Quốc tiếp tục cản phá quyết liệt song lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam vẫn hết sức kiềm chế nhưng kiên quyết, kiên trì, thực hiện nghiêm đối sách, chủ động cơ động vòng tránh trước hành động khiêu khích của các tàu Trung Quốc.

17 giờ 53 phút: Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam tiếp tục với thông tin tình hình thực địa trên biển hiện nay.

Theo thông tin từ Phó Cục trưởng Cục kiểm ngư, trong thời gian qua, Trung Quốc liên tục duy trì khoảng 120 tàu mỗi ngày, chủ động tấn công uy hiếp tàu kiểm ngư Việt Nam với nhiều hình thức. Đặc biệt, Trung Quốc còn sử dụng các biện pháp tạo cớ, tạo dữ liệu giả để vu oan cho Việt Nam đâm tàu Trung Quốc.

“Hiện nay chưa có bất kỳ trường hợp nào tàu Việt Nam chủ động đâm va vào tàu Trung Quốc như phía Trung Quốc đưa tin,” ông Hà Lê nhấn mạnh.

18 giờ: Việt Nam cho trình chiếu những hình ảnh, video thể hiện thái độ hung hăng của Trung Quốc cũng như thái độ kiên nhẫn, kiên trì của phía Việt Nam.

Video tàu Trung Quốc đâm húc tàu Việt Nam:

18 giờ 05 phút: Bắt đầu phần hỏi đáp.

Trước câu hỏi về việc những ngày qua Trung Quốc đưa ra hình ảnh, video, bằng chứng cho rằng tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc, ông Ngô Ngọc Thu một lần nữa khẳng định, thông tin Trung Quốc đưa ra về việc tàu Việt Nam đâm va tàu Trung Quốc là hoàn toàn bịa đặt.

Báo Tiền Phong: Trong thời gian gần đây, Trung Quốc cho rằng: Việt Nam nói Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa là sai? Xin đại diện Ủy ban biên giới quốc gia bình luận về quan điểm này

Ông Trần Duy Hải: Đây là những phát biển xuyên tạc và bóp méo sự thật. Năm 1974, Trung Quốc lợi dụng tình hình chiến trinh để tấn công lực lượng Việt Nam Cộng hòa đồn trú trên các đảo của Hoàng Sa. Đây là một sự thật lịch sử mà ngay cả các trang mạng của Trung Quốc cũng thừa nhận. Việc sử dụng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa khẳng định Trung Quốc không thể có chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa.

 Họp báo quốc tế lần thứ 5 về tình hình Biển Đông ảnh 6Ông Trần Duy Hải phát biểu tại cuộc họp báo. (Ảnh: Bách-Dũng/Vietnam+)

Phóng viên VOV: Thời gian gần đây 1 số nhà ngoại giao khu vực đề xuất các nước ASEAN có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc để có bộ quy tắc ứng xử. Việt Nam có mong đợi gì hoặc có hành động gì đề nghị ASEAN có tuyên bố chung của mình trong vấn đề Biển Đông?

Ông Trần Duy Hải: Chúng tôi nhiều lần khẳng định Việt Nam có đủ chứng cứ pháp lý lịch sử khẳng định chủ quyền Hoàng Sa nên mọi hoạt động của Trung Quốc là bất hợp pháp. Việt Nam ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nói chung trong việc duy trì hòa bình kể cả trong việc yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động tạo ra sự căng thẳng ở Biển Đông.

Đại diện hãng tin AP Hà Nội có câu hỏi gửi tới Tập đoàn dầu khí Việt Nam: Cho tới nay các đối tác nước ngoài hợp tác với Tập đoàn dầu khí Việt Nam có bày tỏ lo ngại gì và phản ứng của Việt Nam về vấn đề trên?

Ông Nguyễn Quốc Thập: Ngay khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trái phép, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tiến hành gặp gỡ và đối thoại với tất cả các đối tác đang hợp tác khai thác dầu khí trong vùng biển Hoàng Sa. Tại các buổi làm việc này, chúng tôi nhận được những tín hiệu rất tốt khi tất cả các bên đều thông báo rằng: Họ chia sẻ và ủng hộ lập trường, cũng như tuyên bố của Tập đoàn dầu khí cũng như Chính phủ Việt Nam. Họ khẳng định, hoạt động của Tập đoàn dầu khí và của bản thân họ là hoàn toàn hợp tác nên sẽ tiếp tục thực hiện những hợp đồng đã ký kết trước đó, mặc dù phía Trung Quốc có những tuyên bố không đúng sự thật.

Trước câu hỏi của hãng AP rằng liệu trong cuộc họp Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - Trung Quốc tới đây, Việt Nam có đưa vấn đề biển đông ra bàn hội nghị hay không, ông Lê Hải Bình, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay: Tôi tin rằng vấn đề Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) sẽ được bàn đến. Như chúng tôi nhiều lần khẳng định Việt Nam luôn kiên trì tìm kênh đối thoại Trung Quốc để giải quyết vấn đề căng thẳng hiện tại nên cuộc họp lần này sẽ là sự kiện để hai bên thảo luận, tìm ra giải pháp.

Phóng viên Vietnamnet: Trung Quốc đã xây nhiều công trình quanh khu vực Trường Sa của Việt Nam. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Ông Lê Hải Bình: Tại Trường Sa, Trung Quốc đã xây dựng trái phép tại khu vực Gạc Ma mà Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng. Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc xây dựng mở rộng trái phép và hoạt động đơn phương khác làm thay đổi hiện trạng ở Trường Sa và Biển Đông.

 Họp báo quốc tế lần thứ 5 về tình hình Biển Đông ảnh 7Đây cũng là câu hỏi cuối cùng trong buổi họp báo. Cuộc họp kết thúc lúc 18 giờ 35 phút, muộn hơn nửa tiếng so với dự kiến ban đầu.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục