IISS: Quân đội Ukraine không phù hợp với cuộc xung đột hiện nay

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) của Anh nhận định quân đội Ukraine “không phù hợp” với cuộc xung đột với lực lượng ly khai hiện nay và cần thêm xe bọc thép cũng như pháo binh.
IISS: Quân đội Ukraine không phù hợp với cuộc xung đột hiện nay ảnh 1Xác quả đạn pháo sau khi được phóng xuống thành phố Kramotorsk, Ukraine. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo AFP, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) của Anh ngày 11/2 nhận định quân đội Ukraine “không phù hợp” với cuộc xung đột với lực lượng ly khai hiện nay và cần thêm xe bọc thép cũng như pháo binh.

Trong báo cáo mang tên “Cán cân quân sự năm 2015” của mình, IISS cho rằng việc huấn luyện chính quy cho các tiểu đoàn tình nguyện đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc giao tranh tại miền Đông Ukraine cũng sẽ là một “thách thức đáng kể."

Báo cáo chỉ ra rằng Kiev đang sử dụng các trang thiết bị cũ hơn để thay thế những khí tài bị tổn thất trong xung đột, nên về lâu dài họ sẽ cần thêm các khí tài hiện đại.

Cũng theo báo cáo, “các chiến thuật và học thuyết phổ biến từ những năm 1990, chủ yếu kế thừa từ thời Liên Xô trước đây, nhìn chung đã không còn phù hợp với cuộc xung đột hiện nay, vốn diễn ra ngay giữa các khu đô thị và dân cư… Như vậy chỉ một phần nhỏ trong các lực lượng không quân và lục quân của Ukraine là có thể sẵn sàng chiến đấu."

Trong báo cáo này, IISS cho rằng những chiến thuật mà Nga được cho là đang sử dụng trong cuộc xung đột tại Ukraine, trong đó bao gồm cả hành động quân sự bí mật và những chiến dịch trên truyền thông xã hội, có thể sẽ truyền cảm hứng cho các nước khác như Trung Quốc và Iran.

Trong báo cáo liên quan tới 171 quốc gia này, IISS cho rằng hầu hết các quân đội trên thế giới đều không sẵn sàng thích ứng với kiểu “chiến tranh tổng hợp” mới này. Theo báo cáo, NATO phải “khẩn trương” hành động để đề ra các biện pháp ứng phó với những mối đe dọa như vậy, bởi chúng có nguy cơ “gây bất ổn nhanh chóng” cho các nước phương Tây.

Báo cáo phân tích Nga đang tiến hành “một cuộc chiến tranh hạn chế vì những mục tiêu hạn chế” tại Ukraine trong khi vẫn liên tiếp “phủ nhận” vai trò này, điều khiến Phương Tây bị lúng túng trong phản ứng của họ.

Cũng theo báo cáo, các chiến thuật trên của Nga có thể tạo ra những ảnh hưởng lan tỏa ra bên ngoài Ukraine. Các nhà hoạch định chính sách dự báo rằng một số quốc gia hoặc thực thể có tiềm năng trở thành nhà nước hay những kẻ thù phi nhà nước, có khả năng bao gồm cả những nước như Trung Quốc và Iran, sẽ học tập diễn biến gần đây trong cuộc chiến tranh tổng hợp của Nga.

Những bài học này không nhất thiết được áp dụng trong các cuộc xung đột với các nước phương Tây, song việc nó khả năng gây bất ổn nhanh chóng đối với trật tự hiện nay chứng tỏ nó có thể tạo ra những tác động mang tính toàn cầu, nếu được áp dụng tại những khu vực khác đang diễn ra sự cạnh tranh về chính trị và quân sự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục