Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Chính phủ Indonesia một lần nữa hoãn áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, vốn được chờ đợi từ lâu. Điều này làm dấy lên quan ngại việc thực hiện cam kết bảo vệ sức khỏe cộng đồng sau đại dịch COVID-19.
Năm ngoái, Bộ Tài chính và Ủy ban Ngân sách Hạ viện (Banggar) đã nhất trí đưa thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường và các sản phẩm nhựa vào kế hoạch ngân sách năm 2023.
Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất, ông Nirwala Dwi Heryanto, phụ trách mảng truyền thông của Tổng cục Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc Bộ Tài chính Indonesia, cho biết kế hoạch đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường khó có thể thực hiện trong năm nay do bộ này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các yêu cầu pháp lý song song với việc đánh giá đà phục hồi kinh tế quốc gia.
Ông cho biết cơ quan chuyên môn đang lên kế hoạch đệ trình biểu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường lên Ủy ban IX (giám sát các vấn đề dân số, sức khỏe, nhân lực và di cư) thuộc Hạ viện vào tháng Năm tới. Nếu được thông qua, chính sách áp thuế liên quan có thể có hiệu lực vào năm 2024.
Bộ Tài chính Indonesia dự định đánh thuế đồ uống có đường từ năm 2009 nhằm đa dạng hóa nguồn thu, song tiến độ thực hiện bị chậm trễ, chủ yếu do vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp.
Năm 2020, bộ này một lần nữa đề xuất áp thuế đồ uống có đường với một kế hoạch chi tiết hơn. Tuy nhiên, các nhà lập pháp đã bác bỏ do suy thoái kinh tế trong đại dịch COVID-19.
[Ý kiến trái chiều về việc đồ uống có đường chịu thuế tiêu thụ đặc biệt]
Tiến độ chậm chạp trong việc triển khai áp thuế đối với đồ uống có đường làm dấy lên nghi vấn về cam kết của Chính phủ Indonesia trong việc cải thiện sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trong bối cảnh Bộ Y tế đang nỗ lực cải cách hệ thống chăm sóc y tế sau tác động của đại dịch COVID-19.
Một nghiên cứu cho thấy những người dùng đồ uống có đường từ 1 đến 2 lần mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn 26%, trong khi một nghiên cứu khác chỉ ra rằng những người sử dụng đồ uống có đường hơn 2 lần/ngày có nguy cơ tử vong sớm vì tim mạch cao hơn 31%.
Từ năm 1996 đến 2014, lượng tiêu thụ đồ uống có đường ở Indonesia đã tăng gấp 15 lần, từ 51 triệu lít lên 780 triệu lít.
Năm 2020, Indonesia đứng thứ ba Đông Nam Á về mức tiêu thụ loại đồ uống này. Các tổ chức phi chính phủ và người dân từ lâu đã kêu gọi Indonesia đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường theo mô hình của 49 nước, trong đó có 4 nước láng giềng là Thái Lan, Malaysia, Philippines và Brunei.
Một nghiên cứu cho thấy việc Thái Lan áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường đã giúp giảm 17% lượng tiêu thụ đồ uống có ga và 2,5% lượng tiêu thụ đồ uống có đường ngay trong năm đầu thực hiện./.