Đồ uống có đường chịu thuế tiêu thụ đặc biệt có giảm được béo phì?

Ý kiến trái chiều về việc đồ uống có đường chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Một số ý kiến của các chuyên gia băn khoăn về việc có nên áp thuế đặc biệt với đồ uống có đường trong thời điểm hiện tại và những sản phẩm nào được liệt vào danh sách đồ uống có đường.
Ý kiến trái chiều về việc đồ uống có đường chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ảnh 1(Ảnh minh họa)

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi về việc xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong đó, một trong những nội dung còn nhiều băn khoăn của dự thảo luật này là bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, với mục đích bảo vệ sức khỏe của người dân và giảm tình trạng thừa cân và béo phì.

"Chỉ mặt" nguyên nhân gây béo phì

Trong dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi do Bộ Tài chính soạn thảo, một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất mở rộng cơ sở thuế thông qua việc bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng như: Đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn.

Theo Bộ Tài chính, đây là những thức uống gây hại đến sức khỏe, đặc biệt đồ uống có đường làm gia tăng tỷ lệ thừa cân béo phì và việc đánh thuế nhằm giúp điều chỉnh lại hành vi tiêu dùng của người dân.

Tại dự thảo đánh giá tác động chính sách sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt quy định đánh thuế đồ uống có đường, phía Bộ Y tế đề xuất tất cả các đồ uống có đường theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có mặt trên thị trường đồ uống Việt Nam đều cần chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

[Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt]

Tuy nhiên, luận điểm nêu trên đã gây ra một số ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia dinh dưỡng và y tế cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì, cơ bản từ góc độ khoa học là do mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào cơ thể và năng lượng tiêu hao. Chế độ ăn không cân bằng dinh dưỡng và thiếu hoạt động thể lực sẽ ảnh hưởng đến tiêu hoá thức ăn và chuyển hoá cơ bản của bản thân, từ đó gây nên tình trạng thừa cân béo phì.

Phó Giáo sư Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết thêm mà đồ uống có đường không phải nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân, béo phì mà do ăn thừa năng lượng vượt quá nhu cầu, vận động ít. Để giải quyết hiệu quả tình trạng này cần đánh giá khách quan và đầy đủ các yếu tố liên quan thừa cân béo phì và đặc biệt là đẩy mạnh giáo dục và truyền thông về dinh dưỡng hợp lý.

Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho thấy, nhóm học sinh thành thị có tỷ lệ thừa cân béo phì cao hơn nhóm học sinh nông thôn (41% với 17%) nhưng lại có tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt thấp hơn (lần lượt là 16% và 21%). Ngoài ra, so với nước ngọt, trẻ em ở khu vực nông thôn tiêu thụ các sản phẩm có đường khác như bánh kẹo, kem, chè… chiếm tỷ lệ nhiều hơn 51,1% so với khu vực thành thị là 56,4%.

Tăng hoạt động, kiểm soát chế độ ăn

Hiện nay, thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm lượng tiêu thụ đối với đồ uống có đường, trong đó chủ yếu là 4 biện pháp: Ghi nhãn và quảng cáo; giảm tính sẵn có; hoạt động truyền thông; áp dụng chính sách thuế và giá.

Theo một số chuyên gia, thời điểm này chưa phải là phù hợp để mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng nên làm rõ sản phẩm nào được liệt vào danh sách đồ uống có đường sẽ bị áp thuế.

Mặt khác, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm trưởng Ban Pháp chế (VCCI) đặt câu hỏi trong bối cảnh doanh nghiệp đang phục hồi sau đại dịch, việc đưa ra chính sách thuế này có phù hợp với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp, người dân hay không? Vì vậy, ông Tuấn đề nghị làm rõ việc đánh thuế vào sản phẩm đồ uống có đường liệu có làm giảm được các loại bệnh thừa cân, béo phì bởi việc đánh thuế phải theo thông lệ quốc tế. Việc tăng thuế có thể tăng thu, nhưng dự thảo chưa chứng minh được việc tăng thuế sẽ làm giảm hành vi tiêu dùng.

Hiệp hội sữa Việt Nam cũng có văn bản kiến nghị tới Bộ Tài chính trong đó nêu rõ sữa và các sản phẩm từ sữa giúp nâng cao sức khỏe cho toàn dân và giảm tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em. Vì vậy, dự thảo luật cần phân tích thấu đáo để tránh tình trạng mặt hàng sữa bị áp thuế cao khiến trẻ em khó khăn hơn trong việc tiếp cận sản phẩm từ sữa.

Nhiều ý kiến cho rằng việc cần làm cấp bách hiện nay là tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục và nâng cao nhận thức của toàn dân, đặc biệt là ở trẻ em về dinh dưỡng cân đối, hợp lý phòng chống thừa cân béo phì. Trong đó, cần giảm tiêu thụ các thực phẩm có hàm lượng calorie cao; sử dụng hợp lý nguồn thực phẩm giàu chất đạm, kiểm soát chế độ ăn không dư thừa; kiểm soát cân nặng, tăng cường hoạt động thể lực; giảm thời gian hoạt động tĩnh tại cho trẻ em cả ở trường và ở nhà.../.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã định nghĩa đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do như đồ uống có ga hoặc không có ga; nước ép, nước pha từ trái cây, rau; chất cô đặc lỏng hoặc dạng bột; nước có hương vị; nước uống tăng lực, tăng cường thể thao; trà uống liền, càphê uống liền và sữa có hương vị.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục