Ngày 8/9, Lực lượng Đặc nhiệm Xử lý COVID-19 thuộc Chính phủ Indonesia cho biết quốc gia này sẽ chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh đặc hữu vào đầu năm 2023 dựa vào tình hình dịch bệnh từ nay đến cuối năm nay.
Trưởng Tiểu ban hỗ trợ y tế thuộc Lực lượng trên, ông Alexander K. Ginting cho hay nếu số ca mắc COVID-19 mới được kiểm soát từ tháng 9 đến cuối năm nay, Indonesia sẽ chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu vào đầu năm 2023.
Theo ông Ginting, cho đến nay, số ca mắc COVID-19 mới hàng ngày đã sụt giảm đáng kể.
Tính đến ngày 7/9, Indonesia chỉ còn khoảng 38.000 bệnh nhân dương tính, thấp hơn mức 52.078 cách đây 2 tuần, và ghi nhận trung bình khoảng 3.000 ca mắc/ngày.
Ông Ginting nhấn mạnh: “Indonesia vẫn trong tình trạng đại dịch. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng chưa bãi bỏ tình trạng đại dịch. Mọi người đã chán ngán với những biện pháp hạn chế, song tình trạng lây nhiễm vẫn đang tiếp diễn."
Chuyên gia y tế này cho rằng chính phủ Indonesia vẫn cần tiếp tục thúc đẩy chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19, đồng thời nhấn mạnh rằng sự tuân thủ của cộng đồng đối với các quy định đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách và rửa tay sát khuẩn (3M) cần được cải thiện.
[Indonesia sắp đưa vào sử dụng hai vaccine nội địa ngừa COVID-19]
Theo cuộc khảo sát do Bộ Y tế Indonesia và Khoa Y tế công cộng thuộc Đại học Indonesia thực hiện, một bộ phận lớn người dân Indonesia đã có kháng thể phòng chống lây nhiễm COVID-19.
Cuộc khảo sát cho thấy tính đến tháng 7, 98,5% dân số Indonesia đã có kháng thể phòng chống COVID-19, tăng so với khoảng 88% dân số trong một nghiên cứu phát hiện vào tháng 12/2021.
Một trong những nhà nghiên cứu tham gia khảo sát, Iwan Ariawan cho biết người dân Indonesia có những kháng thể này nhờ tiêm chủng, mắc bệnh hoặc cả hai. Con số này cũng phù hợp với mức độ bao phủ tiêm chủng gia tăng, trong đó có tiêm các mũi vaccine tăng cường từ ngày 12/1.
Theo ông Iwan, việc tuân thủ quy định phòng chống dịch đóng vai trò rất quan trọng bởi tỉ lệ dân số có kháng thể tăng không đảm bảo rằng họ sẽ không mắc bệnh nữa, mà chỉ làm giảm mức độ nghiêm trọng hoặc tử vong do COVID-19.
Cuộc khảo sát được thực hiện đối với hơn 17.000 người ở 100 khu vực ở Indonesia bằng hình thức trả lời bảng câu hỏi và xét nghiệm máu./.