Indonesia thúc đẩy 7 ưu tiên tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp

Các PED này bao gồm Khuôn khổ tạo thuận lợi cho dịch vụ ASEAN (ASFF); Ký kết Nghị định thư sửa đổi lần thứ 2 Hiệp định thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA)...
Indonesia thúc đẩy 7 ưu tiên tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp ảnh 1(Nguồn: inilahkalsel)

Trong khuôn khổ nhiệm kỳ Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2023, Bộ Thương mại Indonesia đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp (AEM Retreat) lần thứ 29 từ ngày 20-22/3 tại tỉnh Trung Java.

Trao đổi với truyền thông ngày 19/3, Tổng cục trưởng Đàm phán Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Djatmiko Bris Witjaksono cho biết, Indonesia sẽ trình bày 7 ưu tiên kinh tế (PED) tại Hội nghị, phù hợp với trụ cột Cộng đồng kinh tế ASEAN, với mục tiêu xây dựng một hệ thống thương mại thị trường tự do được tất cả các nước thành viên ASEAN thực hiện.

[Tuyên bố chung tại hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26]

Các PED này bao gồm Khuôn khổ tạo thuận lợi cho dịch vụ ASEAN (ASFF); Ký kết Nghị định thư sửa đổi lần thứ 2 Hiệp định thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA); Thành lập Bộ phận hỗ trợ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tại Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta; Sáng kiến về các dự án công nghiệp ASEAN.

Các PED còn lại bao gồm Thực thi đầy đủ mẫu D điện tử thông qua Cơ chế một cửa ASEAN; Tuyên bố của các nhà lãnh đạo về phát triển Khuôn khổ Kinh tế Kỹ thuật số ASEAN (DEFA); Lộ trình hài hóa hóa các tiêu chuẩn ASEAN nhằm hỗ trợ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Cũng tại cuộc gặp mặt truyền thông, Vụ trưởng Đàm phán ASEAN thuộc Tổng cục Đàm phán Thương mại Quốc tế Dina Kurniasari cho hay Hội nghị cũng thảo luận về việc nâng cấp chuỗi cung ứng trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục