Iran có lợi thế lớn trong cuộc đối đầu với Mỹ ở Trung Đông?

Iran và các đồng minh của họ cũng có một số lợi thế, trong đó phải kể đến sự đoàn kết của họ so với sự lộn xộn bên phía đối thủ, thế nhưng, Mỹ và các đồng minh lại xem nhẹ điều này.
Iran có lợi thế lớn trong cuộc đối đầu với Mỹ ở Trung Đông? ảnh 1(Nguồn: Times Higher Education)

Tại sao Mỹ và các đồng minh không thể cải thiện quan hệ với Iran? Theo trang mạng Bloomberg, nếu xét về bề nổi, sự đối đầu trực tiếp là cực kỳ không tương xứng khi so sánh siêu cường Mỹ với Iran. Tuy nhiên, Iran và các đồng minh của họ cũng có một số lợi thế, trong đó phải kể đến sự đoàn kết của họ so với sự lộn xộn bên phía đối thủ. Thế nhưng, Mỹ và các đồng minh lại xem nhẹ lợi thế đó của Iran.

Hội nghị thượng đỉnh Warsaw về “hòa bình và an ninh tại Trung Đông” do Mỹ tổ chức hồi tuần trước được hầu hết các thành viên tham dự cũng như quan sát viên xác nhận là một nỗ lực của Washington nhằm củng cố liên minh chống lại những tham vọng của Iran tại khu vực Trung Đông.

Hội nghị có sự tham gia của các đại diện đến từ hơn 60 quốc gia, trong đó đa số phản đối các chính sách của Iran về phổ biến hạt nhân, bảo trợ khủng bố và các chính sách tương tự. Trong số này có hầu hết các nước thành viên NATO, các quốc gia lớn nhất trong thế giới Arab và Israel.

Nhìn bề ngoài, đó là một liên minh lớn và đáng gờm.

Trong khi đó, liên minh tận tâm của Iran có vẻ chỉ là một nhóm nhỏ và gồm chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở Syria, Hezbollah ở Liban, các nhóm dân quân Shi’ite ở Iraq và thành phần nổi dậy Houthi ở Yemen.

Thực tế là trong các cuộc đối đầu với phương Tây, Iran có thể kêu gọi sự ủng hộ từ Nga và Trung Quốc, song những cường quốc lớn này không thể cứu Iran thoát khỏi một cuộc khủng hoảng, và họ vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp với nhiều đối thủ chính của Iran như Saudi Arabia và Israel. 

Chìa khóa mang lại sức mạnh cho liên minh Trung Đông của Iran chính là sự đoàn kết và kỷ cương nghiêm ngặt. Hầu hết các thành viên của liên minh đều chịu ơn hoặc phụ thuộc vào Iran. Vì vậy, đa số các quyết định đều do Lực lượng Vệ binh Cộng hòa hoặc Hội đồng An ninh Quốc gia tại Tehran đưa ra. Sự bất đồng là rất hiếm và thường bị ngăn chặn, hoặc nếu có thì cũng không đáng kể.

Ngay cả các thành viên ở xa như là Houthi, vốn không mấy quan tâm tới những chỉ thị của Iran, cũng rất có giá trị bởi sự nổi dậy của họ cũng góp phần gây ra tình trạng hỗn độn mà từ đó Tehran có thể khai thác về mặt chiến lược.

Sự đoàn kết trong việc đưa ra các quyết định quan trọng bên phe thân Iran cũng được củng cố bởi sự tôn trọng về văn hóa và tôn giáo của những người Hồi giáo dòng Shi’ite đối với chế độ cầm quyền. Tóm lại, Iran là một thế lực theo chủ nghĩa xét lại, chống nguyên trạng và đang vươn lên mạnh mẽ tại một khu vực bất ổn.

[Tổng thống Rouhani: Iran sẽ vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ]

Trong khi đó, đối thủ của họ lại không như vậy. Liên minh các quốc gia vùng Vịnh, các nước Arập thân Mỹ, Israel, Mỹ và hầu hết các nước thuộc NATO đều có xu hướng duy trì nguyên trạng, giữ vững trật tự khu vực và toàn cầu. Và thường thì việc thiết lập và duy trì các cấu trúc thì khó hơn rất nhiều so với việc phá hoại chúng. Điều này càng khó khăn hơn đối với phe chống Iran khi họ vẫn còn khá lộn xộn. Các quốc gia Arab vùng Vịnh và Israel thậm chí còn không có quan hệ ngoại giao. Họ vẫn bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề Palestine. Mọi sự hợp tác trong vấn đề an ninh như chia sẻ thông tin tình báo đều phải bị hạn chế và bí mật. Không có triển vọng cho một sự liên kết cởi mở giữa họ, và điều này thực sự đã trở thành nỗi thất vọng đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong khi đó, bản thân các quốc gia Arab có đa số dân theo dòng Sunni cũng đang chia rẽ một cách cay đắng, bằng chứng là việc Qatar bị các nước Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arập, Bahrain và Ai Cập tẩy chay.

Về phần mình, NATO cũng chia rẽ trong vấn đề Iran. Kể từ khi chính quyền Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015, Anh, Đức và Pháp, cùng với Liên minh châu Âu, vẫn nỗ lực duy trì sự tồn tại của thỏa thuận này bất chấp sự phản đối của Washington. Họ đã thành lập một “tổ chức mục đích đặc thù” để các công ty châu Âu được chi trả bằng các đồng nội tệ chứ không phải là USD khi giao thương với Iran, lách qua hệ thống ngân hàng Mỹ, và như vậy là "qua mặt" các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tất cả họ đều đã điều các phái đoàn cấp thấp đến Vácsava, trừ Anh (Ngoại trưởng nước này cho biết ông chỉ tới đó nếu bàn về vấn đề Yemen).

Một thành viên chủ chốt khác của NATO là Thổ Nhĩ Kỳ cũng không tới Warsaw vì lựa chọn tham gia một hội nghị với Iran và Nga tại Sochi (Nga) với bề ngoài là để bàn về vấn đề Syria. Thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ với vấn đề Iran ngày càng trở nên trung lập khi họ coi Iran là đối thủ chứ không phải kẻ thù.

Cuối cùng, đối lập với sự tôn kính mà dòng Shi’ite dành cho giới cầm quyền tăng lữ, truyền thống của người Sunni lại khuyến khích các tín đồ phán xét mọi thứ cho bản thân họ và lựa chọn trong số nhiều ý kiến để phục vụ các mục đích khác nhau. Điều này giúp các nhóm cực đoan dòng Sunni như al-Qaeda bác bỏ sự lên án chủ nghĩa khủng bố mà các tăng lữ kỳ cựu dòng Sunni đưa ra để ủng hộ những luật gia cấp thấp mà họ cho là có sức thuyết phục hơn. Điều này khiến cho các thế lực Hồi giáo dòng Sunni rất khó, nếu không muốn nói là không thể, sử dụng tôn giáo như một phương tiện thống nhất chính trị trong một liên minh khu vực bao gồm cả các nhân tố phi nhà nước và các nhóm dân quân.

Lần gần đây nhất mục tiêu này đã đạt được là khi Mỹ, Pakistan và Saudi Arabia áp dụng trong cuộc chiến Afghanistan những năm 1980, song cũng tạo ra các nhóm khủng bố al-Qaeda và Taliban.

Những điều này không nói lên rằng Iran đang ở vị thế mạnh hơn các đối thủ, chắc chắn là không, bởi nền kinh tế nước này đang trong tình trạng đổ nát, họ đang phải hứng chịu sự sự bất đồng chính trị ngày càng gia tăng trong nước, và họ đang phải vật lộn để duy trì một gọng kìm siết chặt Iraq, nước mấy năm gần đây có vẻ đã hoàn toàn nằm trong ảnh hưởng của Tehran. Không một người sáng suốt bình thường nào sẽ nghiêng về phía Iran hơn là phía Mỹ và các nước đối thủ Trung Đông kia. Tuy nhiên, Iran và liên minh của họ tuy nhỏ nhưng có năng lực của mình và vẫn đang có một số lợi thế rõ ràng, bao gồm một sự đoàn kết mạnh mẽ, trong khi hội nghị ở Warsaw đã cho thấy một điều rất rõ ràng là đối thủ của Iran đang chia rẽ một cách toàn diện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục