Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã kêu gọi chính quyền Taliban áp dụng cách tiếp cận "thân thiện" khi các ngoại trưởng của sáu quốc gia láng giềng của Afghanistan nhóm họp tại Tehran nhằm xác định một "lộ trình" sau khi Taliban lên nắm quyền ở quốc gia Tây Nam Á này.
Hội nghị ngoại trưởng các nước láng giềng Afghanistan được tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Iran ngày 27/10, trong đó đại diện các nước Pakistan, Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan đến Iran tham dự trực tiếp, còn ngoại trưởng Nga và Trung Quốc tham gia theo hình thức trực tuyến.
Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Iran Amir-Abdollahian nhấn mạnh điều quan trọng là Taliban phải áp dụng cách tiếp cận thân thiện với các quốc gia láng giềng của Afghanistan và thực hiện những bước đi cần thiết nhằm bảo đảm rằng không có mối đe dọa nào từ Afghanistan đối với những nước láng giềng này.
Ông cũng bày tỏ hy vọng các bên có thể đưa ra một "bức tranh rõ ràng hơn" về thực tế hiện nay ở Afghanistan, những mong muốn của các nước láng giềng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ diễn biến xảy ra ở quốc gia này, đồng thời xây dựng một "lộ trình."
[Pakistan chia sẻ với Taliban cách để được cộng đồng quốc tế công nhận]
Liên quan tình hình tại Afghanistan, Ngoại trưởng Amir-Abdollahian khẳng định Iran ủng hộ việc thành lập một chính phủ toàn diện, trong đó có sự tham gia của của tất cả các nhóm sắc tộc và tôn giáo tại Afghanistan, dựa trên đối thoại giữa các nhóm này mà không có sự can thiệp của nước ngoài.
Theo ông, Taliban cần phải đóng vai trò "không thể phủ nhận" trong việc bảo đảm an ninh, chống khủng bố và tôn trọng quyền của các nhóm sắc tộc cũng như tôn giáo, trong đó có phụ nữ.
Afghanistan đang rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, trong đó các cơ quan của Liên hợp quốc hồi đầu tuần này cảnh báo rằng hơn một nửa dân số nước này có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng vào mùa Đông.
Phó Tổng thống thứ nhất của Iran, Mohammad Mokhber, cũng đưa ra cảnh báo về tác động mà các nước láng giềng của Afghanistan có thể gặp phải.
Ông cho rằng nếu không sớm tìm ra giải pháp nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng kinh tế ở Afghanistan, cuộc khủng hoảng này có thể vượt ra ngoài biên giới quốc gia Tây Nam Á và ảnh hưởng đến những nước lân cận cũng như thế giới./.